Trang chủ BỒI DƯỠNG ĐỨC TIN Tân Phúc âm hóa trong chính đời sống Giáo hội

Tân Phúc âm hóa trong chính đời sống Giáo hội

bởi quytomathien

TÂN PHÚC ÂM HÓA
TRONG CHÍNH ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

LM Antôn Hà Văn Minh

WHĐ (07.02.2023) – Trong thư Tâm tình mục tử đầu năm Phụng vụ Năm A (2022-2023), Đức cha Giuse Giám mục Giáo phận Phú Cường đã trăn trở: Người tín hữu “ít khi quan tâm đến việc Tin mừng hóa những tín hữu vẫn thường xuyên thực hành những bổn phận của đời Kitô hữu, và cũng dễ quên những người tuy đã được rửa tội, nhưng bị ảnh hưởng bởi những trào lưu tục hóa nên chẳng còn tha thiết gì đến việc sống niềm tin của mình”, và nhắc nhở đến sứ mạng loan báo Tin mừng “cũng cần phải bao hàm việc giúp cho các Kitô hữu tích cực sống và làm chứng cho Tin mừng, đồng thời đem niềm vui của Tin mừng thu phục những người đang thiếu sức sống niềm tin và xa rời Tin mừng”, hay nói cách khác cần phải Tân Phúc âm hóa trong khi nói đến nhiệm vụ loan báo Tin mừng. Quả thật, khi nhắc lại nhiệm vụ loan báo Tin mừng, Giáo hội cho thấy hai chiều kích tương tác trong nhiệm vụ này: Giáo hội vừa là người rao giảng vừa là kết quả của việc rao giảng. Vì thế, nhiệm vụ loan báo Tin mừng không chỉ giản đơn là rao giảng, nhưng còn phải làm thế nào để lời rao giảng có sức biến đổi người nghe, để họ đón nhận và đáp trả lời yêu thương, sẵn sàng hoán cải trở thành phần tử của Giáo hội. Để được như thế, Giáo hội đã nhắc đến nhiệm vụ Phúc âm hóa chính mình của Giáo hội. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chính lúc này đây Giáo hội cần phải nhìn lại chính mình để minh định lại căn tính của mình, tìm lại lý do về sự hiện hữu của mình. Việc làm này được gọi là Phúc âm hóa chính mình.

 Khi nói đến Phúc âm hóa chính mình chính là nói đến việc Giáo hội phải nỗ lực canh tân chính mình hầu có thể trở thành lời giải đáp hợp thời cho những thay đổi mà người thời đại hôm nay đang đối diện trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa, xã hội, và đời sống luân lý… Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã làm sáng tỏ thêm khái niệm Tân Phúc âm hóa: Giáo hội hôm nay phải tiến một bước khổng lồ về phía trước trong nỗ lực tân Phúc âm hoá của mình, và đi vào một giai đoạn mới của lịch sử trong hoạt lực truyền giáo của mình. Trong một thế giới mà khoảng cách được thu hẹp làm cho thế giới ngày càng trở nên nhỏ bé hơn, cộng đoàn Giáo hội phải củng cố sợi dây nối kết giữa các thành viên của mình, trao đổi các nghị lực và phương tiện sống, và dấn thân với tư cách tập thể cho một sứ mạng chung và độc đáo là loan báo và sống Tin mừng. “Các Giáo hội được gọi là các Giáo hội trẻ cần đến sức mạnh của các Giáo hội già và các Giáo hội già cần đến chứng tá và sức bật của các Giáo hội trẻ, để mỗi Giáo hội nhận được sự phong phú của các Giáo hội khác”[1].

Như vậy, Tân Phúc âm hóa chính mình là một tiến trình tìm lại đúng bản chất đích thực của mình, để Giáo hội luôn là tiếng nói của thời đại hầu giúp con người đạt tới được chân lý cứu độ của Thiên Chúa tình yêu. Bản chất đích thực của Giáo hội chính là mối tương giao giữa Giáo hội với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã hóa thân làm người. Mối tương giao này được thực hiện trong Chúa Thánh Thần, bởi không có một Thần khí nào khác ngoài Thần khí của Đức Giêsu Kitô lịch sử, chính Thần khí này đã kết nối mọi người nên một trong sự hiệp thông nhờ bởi đức tin. Vì thế nội dung chính yếu của cộng đoàn đức tin, tức Giáo hội, được Thánh Thần tác động đó là tiếp tục loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu về nước Thiên Chúa đã đến ở trong Người (Martyria); cử hành các bí tích như là dấu chỉ hiện tại hóa công trình cứu chuộc của Thiên Chúa (Liturgia); nối gót các môn đệ của Chúa Giêsu trên con đường phục vụ cho những kẻ bé mọn và nghèo hèn của thế giới này (diakonia).

1/ Tân Phúc âm hóa trong chiều kích martyria

2/ Tân Phúc âm hóa trong chiều kích liturgia

3/ Tân Phúc âm hóa trong chiều kích diakonia

1/ Tân Phúc âm hóa trong chiều kích martyria

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,20), đó là sứ vụ mà Chúa Kitô đã trao phó cho Giáo hội, chính sứ vụ này làm nên sự hiện hữu của Giáo hội. Suốt chiều dài lịch sử của mình, Giáo hội luôn nỗ lực chu tất sứ vụ được giao phó cách chỉnh chu, cho dầu khi gặp thuận lợi hay không thuận lợi. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chủ nghĩa tục hóa đang bùng phát cách mãnh liệt với những hình thức văn hoá khác nhau, điều đó đang là trở ngại đáng kể cho công việc thực thi sứ vụ loan báo Tin mừng của Giáo hội. Đối diện với chủ nghĩa này người Kitô hữu có nguy cơ đánh mất những yếu tố cơ bản của đức tin, làm thui chột đời sống thiêng liêng và xô đẩy tâm hồn vào khoảng không trống rỗng, có khi còn thúc đẩy họ chọn những hình thức thay thế tôn giáo và thái độ tâm linh mơ hồ.

Ngoài ra hiện tượng di dân đại trà làm thay đổi bản đồ sắc tộc của các thành phố, các quốc gia và châu lục đang xói mòn và hủy hoại các giá trị căn bản của đời sống, đưa tới một thái độ sống xa lạ có khi đối nghịch lại với Tin mừng. Kế đến, sự phát triển các phương tiện truyền thông xã hội đang là một thách thức lớn cho Giáo hội trong việc loan báo Tin mừng, cho dẫu các phương tiện này ở một khía cạnh nào đó cũng đang cống hiến những khả thể to lớn cho Giáo hội. Bởi các phương tiện truyền thông đang bước dần tới thái độ tập trung ích kỷ vào bản thân mình và các nhu cầu cá nhân; thái độ quá đề cao các khía cạnh cảm xúc của các mối quan hệ và các ràng buộc xã hội; Việc loan báo Tin mừng cũng vấp phải sự chống đối của giới tài phiệt, khi Giáo hội ra sức tố giác tình trạng mất cân đối trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên và việc phân phối chúng, cũng như tình trạng hủy hoại môi trường. Bên cạnh đó, với những thành tựu vượt bậc của khoa học và kỹ thuật, con người ngày nay hầu như coi đó là cứu cánh và đang loại dần sự tôn thờ Thiên Chúa như là cùng đích tối hậu. Sau cùng, sự xuất hiện các lực lượng kinh tế, chính trị và tôn giáo mới trong nền chính trị toàn cầu tạo ra một tình hình chưa từng có và hoàn toàn không được biết đến dẫn đến những cám dỗ mới về quyền lực, sự thống trị sẽ không dễ dàng để cho Tin mừng Chúa Kitô được rao giảng và lắng nghe.

Đứng trước thực trạng đó, Đức Bênêđictô XVI đã đưa ra một chỉ dẫn: Giáo hội cần phải tham gia vào một cuộc đối thoại có phê phán với thế giới, và chính tại cuộc đối thoại này Giáo hội phải học biết lại đâu là điều cốt yếu trong niềm hy vọng của mình, điều mà Giáo hội phải cống hiến cho thế giới.[2] Cuộc đối thoại này chính là Tân Phúc âm hóa chính mình để sứ vụ loan báo Tin mừng mang một sắc thái mới bắt nguồn từ việc “nỗ lực canh tân thiêng liêng về đời sống đức tin trong các Giáo hội địa phương, khởi đầu bằng một tiến trình phân định những thay đổi trong các khung cảnh văn hoá và xã hội khác nhau và tác động của những thay đổi này đối với đời sống Kitô hữu, đọc lại ký ức đức tin và đảm nhận những trách nhiệm mới cũng như phát sinh những nghị lực mới để rao giảng Tin mừng Đức Giêsu Kitô một cách hân hoan và thuyết phục”[3].

Như vậy, việc thi hành sứ vụ loan báo lúc này trước tiên là thực hiện một cuộc chất vấn về đức tin, có nghĩa là lời tuyên xưng “tôi tin” phải hiểu như thế nào và mang một ý nghĩa gì trong bối cảnh xã hội hôm nay. Để trả lời cho chất vấn này, mỗi người Kitô hữu cần phải minh định rằng, khi tuyên xưng “tôi tin”, không là tin vào một công thức, và càng không thể biến một chủ thể tin sống động trở thành một công thức[4]. “Tôi tin” không chỉ là tuyên xưng vào những gì nghe, thấy, đụng chạm vào, nhưng còn là xác tín đến một thực tại nằm ngoài tầm hiểu biết của trí năng. Và khi tuyên xưng như thế nó hàm chứa một sự lựa chọn căn bản đối với toàn thể thực tại. Tức là khám phá ra rằng, nơi tận thẳm sâu của con người có hiện diện một điểm nằm ngoài bình diện quan năng giúp tiếp giáp với thế giới vô hình, để nhờ đó có thể đụng chạm tới được với Đấng vô hình, một nhu cầu cấp thiết cho sự hiện hữu của con người[5]. Đức tin còn là lời tuyên xưng rằng, Đấng vô hình mà tôi có thể chạm tới không là một thần linh nào khác ngoài Đấng đã tỏ mình ra cho nhân loại như là người cha nhân ái tràn đầy yêu thương, Đấng đã tự tỏ bày chính mình cho con người qua Người Con yêu dấu, Đức Giêsu Kitô, Đấng được Cha sai đến để nói lời yêu thương với con người. Chính Đức Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể là câu trả lời cho toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống nhân trần. Có phân định đức tin như thế chúng ta mới có thể dũng cảm chấp nhận thách thức dự phần vào bối cảnh của xã hội để làm chứng tá với tư cách là người trong cuộc, chấp nhận đối chất cả với những hình thức mới của chủ nghĩa vô thần hay chủ nghĩa thế tục cực đoan muốn loại bỏ vấn đề Thiên Chúa ra khỏi đời sống con người, để mạnh dạn làm rõ vấn đề về Thiên Chúa trong đời sống con người.

Vì vậy, Tân Phúc âm hóa có thể được hiểu trước tiên là việc minh định lại lời tuyên xưng “tôi tin”, để rồi, đức tin không còn đóng khung trong những công thức, hay giản đơn qua việc mẫn cán giữ trọn các luật lệ của Giáo hội, nhưng đây là một hành trình gặp gỡ Đức Kitô, là vị Thiên Chúa làm người, trong từng giây phút của cuộc sống. Thật vậy, khi thốt ra lời “tôi tin”, thì đó “không phải là kết quả của một sự lựa chọn đạo đức hay của một ý tưởng cao cả, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, một con người, nó đem sức sống đến cho một chân trời mới và một hướng đi có tính quyết định. […] Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước (x. 1Ga 4,10), nên bây giờ tình yêu không còn chỉ là một ‘mệnh lệnh’; nó là một sự đáp lễ vì món quà tình yêu Thiên Chúa đã ban, đến gặp chúng ta”[6]. Qua cuộc gặp gỡ này kẻ tin biến đổi cuộc sống, làm nên nền văn hóa đức tin.[7] Quả thực, xét cho cùng, cuộc hành trình này luôn được thực hiện trong tâm tình hoán cải, “bởi tin là hoán cải, qua đó con người khám phá ra rằng, họ chỉ chạy theo những ảo tưởng, khi họ chỉ dừng lại nơi những gì là khả giác”[8]. Cho nên, văn hóa đức tin là văn hóa của sự hoán cải, của sự biến đổi mỗi ngày. Tin mừng được loan báo từ sự dũng cảm và nhiệt huyết được hun đúc từ nền văn hóa đức tin này.

Để người tín hữu có thể sống phong cách đó, các chủ chăn cần quan tâm đến hai chiều kích huấn giáo và thời kỳ dự tòng, như là hai công cụ thiết yếu để “Giáo hội truyền đạt đức tin một cách chủ động, gieo đức tin vào lòng những người dự tòng và người học giáo lý để làm cho các kinh nghiệm của họ đạt hiệu quả đặc biệt. Việc tuyên xưng đức tin mà Giáo hội được trao ban (traditio), sẽ được ban lại (redditio) trong tiến trình huấn giáo và được trở nên phong phú hơn nhờ những giá trị của các nền văn hóa khác nhau. Như vậy, thời kỳ dự tòng được chuyển hóa thành một trung tâm tăng trưởng cơ bản về Công giáo tính và là vườn ươm cho sự canh tân Giáo hội”[9].

Một vấn nạn mục vụ được đặt ra cho hiện trạng Việt Nam về việc dạy giáo lý cho tân tòng. Theo số thống kê hằng năm của HĐGMVN, con số những người lớn xin gia nhập đạo Công giáo có lẽ không ít, nhưng thử hỏi có bao nhiêu người trong số họ trở lại do sự thúc đẩy của Tin mừng Chúa Kitô? Có lẽ rất khiêm tốn, phần nhiều nguyên nhân chính của việc gia nhập Giáo hội là hôn phối. Vì vậy, việc gieo đức tin vào lòng những người dự tòng để họ khám phá đức tin là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa, để rồi sau khi lãnh nhận họ tiếp tục truyền thông ân huệ này có lẽ vẫn là một dấu hỏi lớn? Và thời gian dự tòng sẽ như thế nào đối với họ?

2/ Tân Phúc âm hóa trong chiều kích liturgia

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh đến mục đích của việc Phúc âm hóa là “tìm cách hoán cải cùng lúc lương tâm cá nhân và tập thể của con người, hoán cải sinh hoạt mà con người đang dấn thân, hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ”[10]. Hoán cải con người để dẫn đưa họ bước vào vương quốc Thiên Chúa, một vương quốc “được chính Thiên Chúa khởi sự trên trần thế, và phải được trải rộng hơn nữa cho tới khi được nên hoàn tất vào lúc tận cùng thời gian, khi Đức Kitô, sự sống của chúng ta xuất hiện ” (LG số 9).

Giáo hội đối với vương quốc Thiên Chúa được trình bày hoàn toàn giống như: Giáo hội đã là vương quốc Đức Kitô được hiện tại hóa trong “mầu nhiệm” (tức qua bí tích Rửa tội và Thánh thể) (LG 3; x. GS 39). Điều đó cũng có nghĩa là Giáo hội kiến tạo một cuộc gặp gỡ cá vị sống động với Đức Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần, nhờ đó dẫn đưa chúng ta tới một trải nghiệm về Cha của Người và Cha của chúng ta. Như vậy, công việc Phúc âm hóa của Giáo hội là tạo ra ở mọi nơi và mọi lúc những điều kiện để có thể có cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô, gặp gỡ một vị Thiên Chúa đã yêu thương con người, và con người tìm cách “đáp lễ” vì món quà tình yêu Thiên Chúa ban tặng cho con người, đó là việc Ngài đã đến gặp con người. Cuộc gặp gỡ cá vị đó được diễn tả đầy đủ trong phụng vụ, nhất là trong cử hành Thánh thể, bởi tất cả những hoạt động của Giáo hội đều được kín múc từ phụng vụ. “Phụng vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo hội”[11]. Giáo hội là một cộng đoàn của những kẻ tin “được tụ họp lại nhờ sự rao giảng Tin mừng Chúa Kitô và mầu nhiệm tiệc thánh Chúa được cử hành, để ‘nhờ thịt và máu Chúa’, tất cả kết thành huynh đệ và thành một thân thể”[12].

Cử hành phụng vụ là cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng đã dùng chính máu mình, qua Chúa Thánh Thần, qui tụ mọi người nên một về với Chúa Cha. Việc cử hành nhằm đến mục tiêu duy nhất là phục vụ cho việc gặp gỡ với Đức Kitô, để nhờ Người mà gặp được Chúa Cha vì “ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 3,9). Vì vậy, trong công cuộc Tân Phúc âm hóa, Giáo hội thấy cần phải “nghĩ ra các phương thức khai tâm Kitô giáo có khả năng giúp tăng trưởng đức tin, qua việc lắng nghe Lời, cử hành Thánh thể và đời sống yêu thương huynh đệ”[13], đặc biệt phải kiểm chứng xem việc loan báo Lời Chúa đã được đặt làm nền tảng của nhiệm vụ truyền bá đức tin tới mức nào. “Vì vậy, chúng ta phải càng ngày càng khám phá ra sự cấp bách và vẻ đẹp của việc loan báo Lời Chúa, hầu cho vương quyền của Thiên Chúa mà chính Đức Kitô đã rao giảng mau ngự đến. […] Tất cả chúng ta hiểu rằng ánh sáng của Đức Kitô cần phải chiếu sáng biết bao trên mọi lĩnh vực của đời sống con người: gia đình, nhà trường, văn hoá, lao động, nghỉ ngơi và mọi khía cạnh khác của đời sống xã hội. Đây không phải là loan báo một lời an ủi, nhưng là một Lời khuấy động, kêu gọi hoán cải để dẫn đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, từ đó một nhân loại mới có thể đâm bông”[14].

Do đó, Tân Phúc âm hóa đòi hỏi canh tân việc cử hành phụng vụ để người Kitô hữu nhận ra rằng loan truyền đức tin là loan truyền điều mình đang sống, cử hành, tuyên xưng và làm chứng[15]. Việc canh tân này trước tiên nhắm tới huấn giáo sao cho người tín hữu nhận biết cử hành phụng vụ là thể hiện một sự gặp gỡ sống động với Đức Kitô, vì vậy, việc cử hành phải được thực thi với tất cả lòng tin, sự cậy trông, tín thác, và lòng yêu mến, chứ không phải là việc tham dự các nghi thức cách máy móc, chiếu lệ. Tân Phúc âm hóa chỉ cho biết loan truyền đức tin không chỉ bằng lời nói, nhưng còn là một sự tiếp xúc với Thiên Chúa qua cầu nguyện, phụng vụ có vai trò quyết định trong việc giáo dục đời sống cầu nguyện. Vì vậy, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, người tín hữu phải được giáo huấn về cách thức cầu nguyện.

Thật vậy, việc cử hành phụng vụ không chỉ được diễn ra trong một nơi chốn và với những nghi lễ được qui định, vì cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa còn được biểu lộ qua việc thờ phượng trong “Thần khí và sự thật” (Ga 4,24), vì thế, việc cử hành phụng vụ của “Giao ước mới không bị lệ thuộc nơi nào đặc biệt, vì Đức Kitô là đền thờ đích thật của Thiên Chúa; nhờ Người, các Kitô hữu và toàn thể Hội thánh, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, cũng trở thành những đền thờ của Thiên Chúa hằng sống”[16]. Cử hành phụng vụ Kitô giáo là tham dự vào một tiến trình gặp gỡ với Thiên Chúa do chính Đức Kitô khởi xướng. Qua biến cố nhập thể, chết và phục sinh, Đức Kitô đã thiết lập nên cộng đoàn phụng tự, để qua đó, tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi tham dự vào việc tế tự của cộng đoàn phụng tự này. Việc tham gia trước tiên là trở nên một với Đức Kitô qua bí tích Rửa tội. Chính việc nên một này, người tín hữu hiệp thông với Đức Kitô trở thành của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa, nói như thánh Augustinô: “Hy lễ của người Kitô hữu là đây: dù là nhiều, nhưng chúng ta chỉ là một thân thể trong Chúa Kitô […] Toàn bộ cộng đoàn được cứu chuộc (civitas), nghĩa là, hiệp đoàn và xã hội các thánh, được dâng lên cho Thiên Chúa qua tay Thầy cả thượng phẩm là Đấng đã tự hiến mình, Đức Giêsu Kitô”[17]. Vì vậy, khi dấn thân vào các lãnh vực xã hội để đấu tranh đòi công bằng xã hội, khi lên tiếng bênh vực kẻ nghèo yếu, cô thân cô thế, khi phục vụ cho công lý và hòa bình cũng như bảo vệ phẩm giá con người, chúng ta đang thực hiện lời Chúa Giêsu: “trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33), chúng ta đang biểu lộ Giáo hội – một cộng đoàn tư tế. Đó chính là Giáo hội đích thực, một Giáo hội vừa con người, vừa Kitô, Đấng hứa sẽ làm chúng ta trở thành như là qùa tặng của Thiên Chúa, bao lâu chúng ta sẵn sàng phục vụ một cách vô điều kiện cho vương quốc của Người. Việc cử hành phụng vụ như là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa trong Thần khí và sự thật được hiểu trong viễn tượng cách chung này. Qua đây, chúng ta thực sự bước vào vùng trời rộng lớn có nhiều năng lực giúp nhận ra dấu chỉ nước Thiên Chúa ở giữa những người nghèo trong thế giới của chúng ta và biến Giáo hội thành dấu chỉ đó, để rồi từ trong Giáo hội sẽ trổ ra một niềm hy vọng mới.

Nhìn vào thực trạng Giáo hội Việt Nam, con số người giáo dân tham dự việc cử hành các bí tích thật đáng ngưỡng mộ, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nảy sinh những vấn nạn mục vụ đáng suy nghĩ. Phải huấn giáo như thế nào để người giáo dân đi dâng lễ không còn cảnh chen chúc đứng ngoài nhà thờ? Không còn chen lấn xưng tội trong Mùa Phục sinh và Giáng sinh coi đó như một nghĩa vụ cần phải chu toàn cho xong? Không còn nhìn bí tích hôn nhân như một nghi lễ được thêm vào để phục vụ cho lợi ích cá nhân?…

3/ Tân Phúc âm hóa trong chiều kích diakonia

Công đồng Vat. II đã trình bày trong hiến chế Lumen gentium: Giáo hội như là “thân thể Đức Kitô” (LG, số 7). Tất cả mọi chi thể phải trở nên giống như Người, cho đến khi Đức Kitô thực sự thành hình nơi tất cả các chi thể (x. Gl 4,19). Trước tiên, như là họa ảnh của “Con”, Giáo hội tạo được một hình dáng căn bản: chính Giáo hội mang tính xã hội và lịch sử như một “Người Con” đón nhận, lắng nghe và đáp trả tình yêu. Vì thế, Giáo hội trở thành “lời đáp trả của Người Con về việc trở thành hình dáng thụ tạo của Thiên Chúa nơi Người Con trong thế giới”[18]. Mang lấy dáng dấp “Người Con của Chúa Cha” trong thế giới, Giáo hội cũng mang lấy trong mình tính chất phục vụ của “Người Con”: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn loài” (Mt 20,28).

Quả thật, Giáo hội được thiết lập là để tiếp tục công trình của Chúa Kitô để hoàn tất ý định cứu chuộc của Chúa Cha. Vì vậy, Giáo hội có nhiệm vụ hành động để qui tụ toàn thể nhân loại hợp nhất với Thiên Chúa. “Giáo hội ở trong Chúa Kitô như là bí tích, tức là dấu chỉ và dụng cụ cho sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, và cho sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại” (LG 1).Vì thế, Giáo hội phải thực sự trở thành biến cố của việc hiện tại hóa Chúa Giêsu Kitô và của ơn cứu độ Người đối với nhân loại. Điều đó cũng có nghĩa là Giáo hội phải dấn thân phục vụ nhân loại như Đức Kitô.

Sự phục vụ của Giáo hội không nhằm quảng bá, nhưng nói như thánh Phêrô, Giáo hội phục vụ để “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1P 3,15). Vâng, Giáo hội phục vụ để chiếu tỏa vào thế giới niềm hy vọng cứu độ, để lý giải cho những ai chất vấn chúng ta về Lời Chúa¸ về cái lý của đức tin chúng ta: để đổi mới chính mình, để làm hiện diện trong thế giới chúng ta đang sống niềm hy vọng và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho chúng ta. Câu trả lời cho niềm hy vọng chính là trình bày cho nhân loại nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, bởi như thánh Augustinô nói: “nếu anh thấy tình yêu, anh thấy Ba Ngôi cực thánh”[19]. Do đó, việc phục vụ ơn cứu độ cho nhân loại của Giáo hội luôn gắn chặt với với phục vụ bác ái (diakonia), việc phục vụ này thuộc về bản chất của Giáo hội, nó biểu lộ bản chất không thể từ bỏ hay thay thế được[20]. Vì vậy công việc Tân Phúc âm hóa cũng nhằm canh tân chiều kích phục vụ bác ái này. Giáo hội luôn mời gọi các gia đình cần phải trở thành những dấu chỉ đích thực của tình yêu và sự chia sẻ, với khả năng hi vọng vì sự cởi mở của họ đối với cuộc đời.

Để có thể phát huy sáng kiến phục vụ bác ái phù hợp với việc Tân Phúc âm hóa, trước tiên Giáo hội phải tìm về căn tính đích thật của mình: Giáo hội Chúa Kitô là Giáo hội của người nghèo. Khi chọn lựa phục vụ cho người nghèo như là mối ưu tư hàng đầu, thì việc lựa chọn đó không đơn giản như bao chọn lựa khác. Việc chọn lựa đó là thể hiện “sự vâng phục của người con đối với cha”, sự vâng phục này thuộc bản chất của Giáo hội. Bởi lẽ Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, đã tỏ bày tình yêu của Chúa Cha cho loài thụ tạo qua việc mặc lấy thân xác nhân loại nghèo hèn thì Giáo hội cũng mặc lấy hình dáng của một con người nghèo khó trong Chúa Giêsu (x. Pl 2,5tt).

Qua con người Giêsu nghèo khó Nazareth, chúng ta có thể nói rằng, những thụ tạo nghèo khó nhất đã trở thành “đồng dáng vẻ” với “dáng vẻ” của “Con Thiên Chúa”, Đấng tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa trong sự nghèo khó tinh thần và vật chất qua đời sống và cái chết của Người cách tột cùng. Do đó, Giáo hội chỉ có thể bày tỏ hình dáng đích thật của Đức Kitô nơi chính mình, khi Giáo hội thực sự trở thành “đồng dáng vẻ” với những người mà Chúa Giêsu gọi là “những anh chị em nhỏ nhất” của Người (x. Mt 25,40); và khi Giáo hội thực sự là hoạ ảnh cách cụ thể của Đức Kitô trong “dáng vẻ” nghèo khó.

Nói như vậy phải chăng Giáo hội gạt những người giàu có ra bên lề? Phải chăng họ không là đối tượng phục vụ của Giáo hội? Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, và tất cả mọi người đều được mời gọi vào vương quốc của Ngài, Giáo hội có nhiệm vụ giúp cho mọi người nhận được ơn cứu độ, dù đó là người giàu hay người nghèo. Tuy nhiên, “người nghèo” là đối tượng mà Giáo hội quan tâm cách đặc biệt để phục vụ, vì khi nói đến phục vụ cho người nghèo là nói tới việc phục vụ cho công bằng và bác ái, bởi người nghèo thường là đối tượng của tình trạng bất công trong xã hội và sự bất khoan dung của người khác. Theo Phúc âm, họ là những người vì nhiều nguyên nhân khác nhau (thí dụ: về khía cạnh vật chất; cuộc sống dưới mức tối thiểu để có thể được gọi là đủ sống; khía cạnh xã hội: bị kỳ thị, cô độc v.v.; khía cạnh thể chất và tâm lý: bị bệnh tật và tàn tật; khía cạnh chính trị: bị ức hiếp, bóc lột, cưỡng bức; khiá cạnh đạo đức: phạm tội) bị ngăn cản không được dự phần vào các sinh hoạt đời sống chung trong xã hội một cách thích hợp, và vì thế nhu cầu cấp thiết là phải giúp đỡ họ thể hiện vai trò “chủ thể” của họ phù hợp với phẩm cách con người.

Trong chiều hướng Tân Phúc âm hóa chính mình, các Giáo hội địa phương như là chủ thể của việc loan báo đức tin cần phải canh tân huấn giáo về việc phục vụ đức ái. Đặc biệt, các giáo huấn về xã hội của Giáo hội nhất thiết phải được đưa vào chương trình huấn giáo đức tin, để các tín hữu ý thức được nhiệm vụ phục vụ cho trật tự công bằng trong xã hội, như Công đồng Vat. II đã nhắn nhủ: “Giáo dân phải đảm nhận việc canh tân trật tự trần thế như là trách nhiệm riêng của mình. Trong lãnh vực này, được ánh sáng Tin mừng soi chiếu, được tinh thần Giáo hội hướng dẫn, được thúc đẩy bởi lòng bác ái Kitô giáo, người giáo dân phải trực tiếp hành động cách cương quyết; với tư cách là công dân, họ phải cộng tác với các công dân khác theo khả năng chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của mình; họ phải tìm sự công chính của nước Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi sự. Trật tự trần thế, với toàn bộ những định luật riêng của nó vẫn luôn được tôn trọng, cần phải được canh tân sao cho phù hợp với các nguyên tắc cao quí hơn của đời sống Kitô hữu và thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau của các địa phương, các thời đại và các dân tộc. Nổi bật hơn cả trong các công việc tông đồ chính là hoạt động xã hội của người Kitô hữu, và Thánh Công đồng ước ao hoạt động đó lan đến mọi lãnh vực trần thế kể cả lãnh vực văn hóa” [21].

Song song đó, người tín hữu cũng cần được chỉ dạy sao cho ngày càng ý thức hơn về những thiếu thốn vật chất cũng như nỗi khổ đau của người khác để hăng say dấn thân vào các hoạt động bác ái để cho người đói có lương thực, người trần truồng có quần áo, bệnh nhân được chữa trị, và tù nhân được thăm viếng. Việc phục vụ đức ái này không chỉ mang đặc tính nhân ái thường tình trong cách đối nhân xử thế, nhưng đó còn là hành vi tôn giáo, vì việc phục vụ đức ái này phát xuất từ khuôn mẫu tình yêu Thiên Chúa và phát xuất từ chính Thiên Chúa. Tình yêu này đến từ Thiên Chúa và trở về cùng Thiên Chúa: khi yêu mến tha nhân, chính là yêu mến Thiên Chúa (x. Mt 25,40). Và do đó, việc phục vụ bác ái không chỉ dừng lại ở cảm tính thương xót nhất thời, nhưng nó phải phát xuất từ một thái độ sống đức tin: nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi tha nhân. Chính Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta về thái độ tôn giáo của hành vi yêu thương này: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Việc phục vụ bác ái được khởi đầu không phải bởi nhịp đập của con tim bị chi phối bởi cảm tính nhân loại, nhưng là khởi đầu bằng chính tình cảm được hòa nhập trong Thiên Chúa. “Trong Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa, tôi yêu người thân cận, cả khi tôi không thích hoặc không biết người đó. Điều này chỉ trở nên khả thể từ cuộc gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông ý muốn và thâm nhập vào trong tình cảm. Bây giờ tôi học cách nhìn người khác không phải chỉ bằng con mắt và tình cảm của riêng tôi, nhưng từ nhãn giới của Đức Kitô”[22].

Hơn bao giờ hết, người giáo dân Việt Nam hôm nay rất tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện. Có thể nói, họ rất rộng tay chia sẻ nỗi bất hạnh với người khác, đặc biệt là đóng góp ủng hộ các nạn nhân bị thiên tai… Thế nhưng câu hỏi được đặt ra là, qua các công việc từ thiện, Đức Kitô được loan báo như thế nào? Hay là hành vi từ thiện đó rốt cuộc cũng chỉ là phương thế để làm nên thành tích cho Giáo xứ, cho đoàn thể, cho cá nhân…? Dĩ nhiên phục vụ bác ái không là hành vi chiêu dụ tín đồ, càng không phải là cách thế quảng cáo về Giáo hội Công giáo, nhưng dẫu sao, đó là hành vi thuộc bản chất của Giáo hội, vì thế, việc phục vụ đó phải làm thế nào để Đức Kitô được biểu lộ, được loan báo và để người ta được nghe tới. Bởi, việc phục vụ bác ái không đơn thuần là trao ban tình yêu, nhưng còn phải khơi dậy để người nhận cũng biết tiếp tục trao ban tình yêu đã nhận lãnh, vì “nếu chúng ta yêu mà không khơi dậy được tình yêu, thì tình yêu của chúng ta sẽ vô hiệu… Thiên Chúa không hiện diện ở những nơi tình yêu đã vô hiệu, ở những nơi mà người ta không làm cách nào để được yêu”[23].

Kết

“Khi nói đến Tin mừng, chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là một cuốn sách hay một tập hợp các lời giáo huấn. Tin mừng là một cái gì nhiều hơn nữa; nó là một Lời sống động và linh nghiệm, nói điều gì thì điều đó trở thành hiện thực. Tin mừng không chỉ là một hệ thống các điều khoản đức tin và giới răn đạo đức, càng không phải là một chương trình chính trị, mà là một con người: Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đã làm người”[24], vì thế, loan báo Tin mừng là kiến tạo một cuộc gặp gỡ sống động giữa thế giới với Đức Kitô. Thế nhưng, để có thể đạt tới ý nghĩa của việc loan báo Tin mừng, người tín hữu trước tiên phải để đức tin của mình đâm rễ sâu vào mầu nhiệm Đức Kitô, bởi “đức tin không đơn thuần cung cấp tin tức về Chúa Giêsu là ai, nhưng đức tin đòi hỏi một liên hệ cá nhân, một sự tín thác toàn thể con người của mình, cùng với tất cả sự hiểu biết, ý chí và khả giác của mình, cho việc tự tỏ mình ra của Thiên Chúa”[25]. Không thể loan báo Tin mừng khi chúng ta chưa thiết lập được tình bằng hữu đích thật với Chúa Giêsu. Chính tình bằng hữu này thôi thúc chúng ta chia sẻ với mọi người niềm vui về đức tin mà chúng ta đã được ban tặng.

Bởi đó, việc Tân Phúc âm hóa chính mình là điều cấp thiết để Giáo hội thúc đẩy con cái mình canh tân đời sống đức tin, củng cố tình bằng hữu với Chúa Giêsu, và khơi dậy lòng nhiệt thành rao giảng Tin mừng. Chính đức tin đâm rễ sâu trong tình bằng hữu với Chúa Giêsu, được nuôi dưỡng và lớn lên trong sự hiệp thông Giáo hội sẽ là lời loan báo Tin mừng sống động như đức Phaolô VI đã nói: “Con người thời đại hôm nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là nghe thầy dạy, và nếu họ có nghe những thầy dạy thì đó là vì những thầy dạy này là chứng nhân”[26].

[1] Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Christifideles laici (30/12/1988), số 35.

[2] X. Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe salvi (30/11/2007), số 22.

[3] X. Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Ecclesia in Africa (14/9/1995), số 63.

[4] X. Joseph Ratzinger, Einführung in das Christentum, nhà xuất bản Kossel, ấn bản năm 2005, tr. 43

[5] X. nt, tr. 45.

[6] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est (25/12/2005), số 1.

[7] X. Joseph Ratzinger, Salz der Erde, Nhà xuất bản Deutsche Verlags – Anstalt, Stuttgart 1996, tr. 32.

[8] X. Joseph Ratzinger, Einführung in das Christentum, nhà xuất bản Kossel, ấn bản năm 2005, tr. 45.

[9] Bản lineamenta (đề cương) Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XIII: Tân Phúc âm hóa để truyền bá  bá đức tin Kitô giáo, công bố ngày 04/3/2011, số 14

[10] Đức Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (08/12/1975), số 18.

[11] Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum concilium, số 10

[12] Vatican II, Hiến chế Lumen gentium, số 26

[13] Bản lineamenta (đề cương) Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XIII: Tân Phúc âm hóa để truyền bá  bá đức tin Kitô giáo, công bố ngày 04/3/2011, số 13

[14] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini (30/9/2010), số 93.

[15] X. Đại hội thường kỳ lần XII của THĐ Giám mục, Sứ điệp gởi Dân Chúa (24/10/2008), phần III.

[16] Bản Toát yếu sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, chuyển ngữ do UBGLĐT /HĐGMVN, NXB Tôn Giáo 2009, số 244.

[17] Augustinô, De civitate Dei, 10, 6: CCL 47, 27 tt.

[18] H. U.von Balthasar, Das Ganze im Fragment, Einsiedeln 1963, 97.

[19] Augustinô, De Trinitate, VIII, 8,12: CCL 50, 287.

[20] X. Thánh bộ các giám mục, Hướng dẫn thừa tác vụ mục vụ của các Giám mục Apostolorum Successores (22/02/2004), 194, Vatican City 2004, tr. 213.

[21] Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, số 7.

[22] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est, số 18.

[23] Juan Arias, Christ, Toujours Nouveau, Lưu Tấn chuyển sang Việt ngữ: “Đức Kitô luôn mới lạ”, TP Hồ Chí Minh 1994, tr.31.

[24]  Bản lineamenta (đề cương) Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XIII: Tân Phúc âm hóa để truyền bá  bá đức tin Kitô giáo, công bố ngày 04/3/2011, số 11

[25] Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng thánh lễ bế mạc đại hội giới trẻ thế giới lần thứ XXI, vào ngày 21-8-2011, tại Madrid, nguồn: www.zenit.org/article-23519?l=german

[26] Đức Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (08/12/1975), số 41.

Sưu tầm tại:https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tan-phuc-am-hoa-trong-chinh-doi-song-giao-hoi-50253

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

QUỸ HỌC BỔNG TÔMA THIỆN

logo-footer-2

Để đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao trình độ trí thức nhằm phục vụ công ích cho xã hội và Giáo Hội, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã cho thiết lập “Quỹ hỗ trợ và phát triển tài năng Tôma Thiện” gọi tắt là “Quỹ học bổng Tôma Thiện”.

LIÊN HỆ

Văn phòng Quỹ học bổng Tôma Thiện

Bản quyền thuộc về Quỹ Học Bổng Tôma Thiện – 2022