Trang chủ BỒI DƯỠNG ĐỨC TIN Nhãn Quan Giáo Hội về Giới Trẻ trong Thế Giới hôm nay

Nhãn Quan Giáo Hội về Giới Trẻ trong Thế Giới hôm nay

bởi quytomathien
Pet. Nguyễn Văn Viên
Dẫn nhập
Trong Tông Huấn Đức Ki-tô Đang Sống (Christus Vivit, 2019), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Điều quan trọng cần phải nhận thức rằng Đức Giê-su là một người trẻ. Người đã hiến dâng mạng sống mình khi Người là, theo ngôn ngữ của thời đại hôm nay, người trưởng thành trẻ” (Christus Vivit 23). Là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Trẻ Trung Muôn Đời, Giáo Hội luôn là Giáo Hội trẻ và là Bạncủa các bạn trẻ.Giáo Hội ý thức rằng việc đồng hành và mục vụ giới trẻ cách hữu hiệu sẽ giúp họ ngày càng trưởng thành hơn về mọi mặt, hầu đóng góp phần mình trong việc diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội giữa dòng đời.
Trong phạm vi toàn cầu, theo các thống kê gần đây, khoảng một phần tư dân số thế giới là người trẻ. Nhận thức về tầm quan trọng của giới trẻ trong đời sống Giáo Hội và xã hội, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã tổ chức Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Giới Trẻ, từ ngày 3-28/10/2018, với chủ đề ‘Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi’. Vào đầu năm 2019, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XVI diễn ra tại Panama, từ ngày 22-27/1/2019. Theo tinh thần của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Giới Trẻ và Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới diễn ra tại Panama, cùng với những thao thức về vai trò của giới trẻ trong Giáo Hội, ngày 25/3/2019, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ban hành Tông Huấn Đức Ki-tô Đang Sống.
Tại kỳ họp lần thứ nhất diễn ra từ ngày 22-27/4/2019 ở Bãi Dâu, giáo phận Bà Rịa, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thống nhất về chương trình mục vụ của Giáo Hội Việt Nam trong ba năm (2019-2022) là ‘Mục vụ giới trẻ’. Chương trình mục vụ này vừa tiếp nối chương trình ‘Mục vụ gia đình’ mà Giáo Hội Việt Nam đã thực hiện trong ba năm (2016-2019), vừa phù hợp với nhãn quan Giáo Hội hoàn vũ về giới trẻ. Đặc biệt, chương trình mục vụ này phù hợp với tinh thần của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Giới Trẻ năm 2018, cũng như của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô về giới trẻ.
Chủ đề bài viết ‘Nhãn Quan Giáo Hội về Giới Trẻ trong Thế Giới hôm nay ‘liên quan đến nhiều lãnh vực và khía cạnh khác nhau trong đời sống Giáo Hội: Từ nền tảng Kinh Thánh đến suy tư thần học, từ lịch sử Giáo Hội tới bối cảnh hiện tại, từ nội dung giáo lý đến việc triển khai giáo l‎ý, từ những dấu chỉ thời đại đến việc đọc những dấu chỉ đó và đưa ra đường hướng mục vụ phù hợp. Nội dung bài viết này chỉ đề cập cách tổng quát nhãn quan Giáo Hội về giới trẻ theo những đề mục sau đây:(1) Trở về nguồn, (2) Đọc dấu chỉ, (3) Đường Em-mau và (4) Hướng mục vụ.
1. Trở về nguồn
Ngày 26/01/2019, tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XVI, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói: “Chúng ta không thể lớn lên nếu chúng ta không có gốc rễ khỏe mạnh nâng đỡ và giúp chúng ta đứng vững. Thật dễ dàng bị trôi dạt khi không có gì để bám víu, hỗ trợ”. Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta bức tranh muôn màu về những người trẻ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta học được những bài học hữu ích từ những người trẻ sống ngược với giới răn và huấn lệnh của Thiên Chúa, chẳng hạn như Ca-in, Ê-xau, Ghít-ôn, Rơ-kháp-am, Áp-sa-lôm, và các con cái của Ê-li. Nhưng, hơn thế, chúng ta học được những kinh nghiệm quý báu từ những người trẻ vâng theo thánh ý Thiên Chúa và cộng tác đắc lực vào chương trình cứu độ của Người, chẳng hạn như Nô-ê, Áp-ra-ham, Giu-se, Mô-sê, Giô-suê, Sa-mu-en, Đa-vít, Sam-son, Gióp, Rút, Ét-te, Giê-rê-mi-a và các tiên tri khác.
Nhiều trình thuật Kinh Thánh Cựu Ước, đặc biệt trong nền Văn Chương Khôn Ngoan, cho chúng ta biết cách thức nào giúp người trẻ có thể trở nên khí cụ tốt lành theo thánh ý Thiên Chúa. Chẳng hạn như giúp người trẻ sống đời thanh khiết: Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy” (Tv 119,9); giúp người trẻ trung tín: “Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, lạy Đức Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân” (Tv 71,5); giúp người trẻ trưởng thành trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân: “Cậu bé Sa-mu-en thì càng lớn lên và đẹp lòng cả Đức Chúa lẫn người ta” (1 Sm 2,26). Một trường hợp khác nói rõ cách giúp người trẻ đón nhận, sống và chuyển tải gia sản tinh thần của tổ tiên: “Năm thứ tám triều đại của Giô-si-gia-hu, lúc còn là một thanh niên, vua bắt đầu tìm kiếm Thiên Chúa của vua Đa-vít, tổ tiên vua; và năm thứ mười hai, vua bắt đầu thanh tẩy xứ Giu-đa và thành Giê-ru-sa-lem, loại ra khỏi đó các tế đàn, các cột thờ, các tượng tạc tượng đúc” (2 Sbn 34,3).
Nhiều khuôn mặt trẻ trong Kinh Thánh Tân Ước đáng chúng ta đề cập tới, chẳng hạn như Đức Ma-ri-a, thánh Giu-se, các thánh tông đồ. Tuy nhiên, khuôn mặt trẻ đáng để chúng ta quan tâm nhất là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Trong Tông Huấn Đức Ki-tô Đang Sống, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Đức Giê-su, Đấng trẻ trung muôn đời, muốn ban cho chúng ta những trái tim trẻ mãi. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta “hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới” (1 Cr 5,7). Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta hãy cởi bỏ ‘con người cũ’ và mặc lấy con người ‘trẻ’ [mới] (Cl 3,9-10)” (Christus Vivit 13). Ngài viết tiếp: “Trẻ trung đích thực có nghĩa rằng có trái tim với khả năng yêu thương, trong khi những gì tách biệt chúng ta khỏi người khác làm cho tâm hồn già cỗi” (Christus Vivit 13). Đồng thời, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng nhận định rất đúng đắn, sâu sắc và ý nghĩa: “Trẻ không đơn giản chỉ về một khoảng thời gian; nó là tình trạng của tâm trí” (Christus Vivit 34).
Kinh Thánh Tân Ước không cho chúng ta biết nhiều về ‘thời tuổi trẻ’ của Đức Giê-su, ngoại trừ vài sự kiện vào thời thơ ấu và năm Người 12 tuổi. Thánh ký Lu-ca cho chúng ta biết lúc 12 tuổi, Đức Giê-su cùng cha mẹ lên Giê-ru-sa-lem. Xong kỳ lễ hai ông bà trở về mà không biết Người đang lưu lại Giê-ru-sa-lem. Sau ba ngày họ tìm được Người trong Đền Thờ, lúc đó Người đang ngồi giữa các thầy dạy để lắng nghe, đặt câu hỏi và giải thích cho họ về những vấn đề cốt lõi trong đời sống tôn giáo, văn hóa và xã hội Do Thái. Khi Đức Ma-ri-a nói với Đức Giê-su về chuyện vất vả tìm Người, Đức Giê-su trả lời: Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Thánh Lu-ca viết tiếp: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,51-52). Sự trưởng thành của Đức Giê-su về thể l‎ý đi đôi với sự trưởng thành về tâm linh, cũng như các chiều kích và tương quan khác trong xã hội Do Thái tại gia đình và thôn xóm ở Na-da-rét, quê hương Người.
Đức Giê-su là con bác thợ mộc và Người cũng học để trở thành người thợ mộc chính hiệu. Với đôi tay của người thợ mộc lành nghề, những khúc gỗ được định dạng và trở thành những phương tiện sống động gắn bó với con người, làm cho con người sống hòa hợp và xứng đáng hơn trong môi trường thế giới thụ tạo. Với kinh nghiệm của người thợ mộc, Đức Giê-su đã đào tạo các môn đệ, chuẩn bị cho họ những hành trang cần thiết, để chính họ sẽ tiếp tục sứ mệnh của Người ở trần gian. Người đã định hình, gọt dũa, trau dồi và biến các môn đệ mình từ những người trẻ đơn sơ mộc mạc thành những cột trụ của Giáo Hội mà Người thiết lập.
Đức Giê-su đã trở thành gương mẫu cho những người trẻ trong việc lắng nghe, tin tưởng, vâng phục và trung thành với thánh ý Thiên Chúa. Là những người trẻ, theo Đức Giê-su, các môn đệ đã hăng hái làm chứng cho Người và Tin Mừng của Người. Hơn nữa, trên đường rao giảng Tin Mừng, các môn đệ Đức Giê-su đã tuyển chọn những người trẻ đầy Thánh Thần, đầy nhiệt huyết và khôn ngoan để cộng tác với họ. Chẳng hạn như thánh Phê-rô đã chọn người trẻ Mác-cô làm người cộng sự với ngài trong công cuộc loan báo Tin Mừng (1 Pr 5,13). Thánh Phao-lô đã chọn người trẻ đồng hành là Ti-mô-thê. Ngài nhắc nhở Ti-mô-thê: “Anh hãy tránh xa các đam mê của tuổi trẻ, cố gắng trở nên người công chính, giàu lòng tin và lòng mến, ăn ở thuận hoà cùng những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch” (2 Tm 2,22). Ngài cũng khích lệ Ti-mô-thê: “Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch” (1 Tm 4,12).
Tiếp nối truyền thống Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, ngay từ rất sớm các giáo phụ quan tâm đến những người trẻ trong Giáo Hội. Chẳng hạn như thánh I-rê-nê (130–202) diễn tả Đức Giê-su là người trẻ giữa những người trẻ và tôn vinh Người là mẫu gương l‎ý tưởng cho những người trẻ trong Giáo Hội qua muôn thế hệ. Thánh nhân viết rằng Đức Giê-su là “một người trẻ giữa những người trẻ, trở thành mẫu gương cho họ và vì vậy thánh hiến họ cho Đức Chúa” (Chống Lạc Giáo, II, 22, 4). Trong lịch sử Giáo Hội, noi gương Đức Giê-su, nhiều người trẻ đã góp phần rất quan trọng trong việc làm chứng cho Tin Mừng của Người bằng đời sống thánh thiện, hy sinh, tận hiến, như thánh Pê-pê-tu-a, thánh An-nê, thánh Lu-xi-a, thánh Ma-ri-a Gô-rét-ti, thánh Đa Minh (Đô-mi-ni-cô Sa-vi-ô), thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su. Nhờ các ngài, Giáo Hội luôn diễn tả mình là thực thể trẻ trung và can trường giữa muôn vàn gian khổ, khó khăn, bấp bênh của thế sự.
Giáo Hội khai nguyên từ biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 2,1-12). Giáo Hội luôn là Giáo Hội trẻ, bởi vì Giáo Hội không ngừng được Chúa Thánh Thần biến đổi, làm cho mới mẻ và sống động, để ngày càng xứng đáng hơn với phẩm vị là Hiền Thê của Đức Ki-tô, hầu thực thi chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Trong Sứ Điệp gửi các bạn trẻ khi kết thúc Công Đồng Vatican II (ngày 8 tháng 12 năm 1965), các Nghị Phụ nhấn mạnh:“Giáo Hội không ngừng đổi mới hình ảnh của mình để ngày càng diễn tả tốt hơn chương trình của Đấng Thiết Lập Giáo Hội, Đấng Hằng Sống, Đức Ki-tô, Đấng luôn luôn trẻ trung.” Đồng thời, các ngài thổ lộ tâm tình với các bạn trẻ: “Nhân danh Thiên Chúa, và Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, chúng tôi mời gọi các bạn hãy mở tâm hồn mình ra với mọi hoàn cảnh của thế giới này, để lắng nghe lời khẩn khoản của anh chị em mình và phục vụ họ bằng chính năng lực trẻ của các bạn.” Quả thật, từ Công Đồng Vatican II đến nay, Giáo Hội ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò và tầm quan trọng của các bạn trẻ trong đời sống và sứ mệnh của mình.
Giáo Hội là thực thể luôn tươi trẻ giữa lòng thế giới, bởi vì Giáo Hội là bí tích của Đức Ki-tô, là hiện thân của Người, Đấng trẻ trung muôn đời, Đấng vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi tới muôn đời (Dt 13,8). Các Nghị Phụ của Công Đồng Vatican II nhắn nhủ các bạn trẻ: “Hãy ngắm nhìn Giáo Hội và các bạn sẽ thấy khuôn mặt Đức Ki-tô, Đấng chân thật, khiêm tốn và khôn ngoan, Vị Ngôn Sứ của sự thật, tình yêu, người đồng hành và người bạn của các bạn trẻ.” Qua Giáo Hội, Đức Giê-su không ngừng mời gọi các bạn trẻ chiếu giãi ánh sáng của Người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình. Ánh sáng này vừa cho phép các bạn trẻ phân định ơn gọi của mình, vừa giúp họ thi hành ơn gọi của mình cách trung tín nhất.
Tiếp nối tinh thần của Công Đồng Vatican II về giới trẻ, trong Tông Huấn Hãy Vui Mừng trong Chúa (Gaudete in Domino, 1975), thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI viết: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có mọi lý do để đặt sự tín nhiệm vào giới trẻ Ki-tô Giáo: Giới trẻ sẽ không làm cho Giáo Hội thất vọng nếu Giáo Hội có đủ những người lớn tuổi hơn có khả năng hiểu giới trẻ, yêu giới trẻ, hướng dẫn giới trẻ và mở ra cho giới trẻ tương lai bởi thông truyền cho giới trẻ sự trung tín hoàn toàn với Sự Thật luôn tồn tại” (Gaudete in Domino 6). Tương tự như thế, trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng(Evangelii Nuntiandi, 1975), thánh nhân viết: “Hoàn cảnh hiện nay thôi thúc chúng ta lưu ý đặc biệt đến những người trẻ. Sự gia tăng về số lượng và sự hiện diện ngày càng nhiều của họ trong xã hội, những vấn đề đang vây lấy họ, đánh thức mọi người phải nhiệt tâm và khôn ngoan lo lắng giúp đỡ họ hiểu biết và sống lý tưởng Tin Mừng. Ngoài ra, những người trẻ, một khi đã được đào tạo kỹ càng về đức tin và cầu nguyện, sẽ càng ngày càng trở nên những tông đồ cho giới trẻ. Giáo Hội tin tưởng rất nhiều vào sự đóng góp của họ và chúng ta đã nhiều lần bày tỏ sự tín nhiệm hoàn toàn vào họ” (Evangelii Nuntiandi 72). Đối với thánh nhân, Giáo Hội cần quan tâm đặc biệt đến giới trẻ, nhất là giúp họ có được nhãn quan và tâm thức của Giáo Hội trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho toàn thể thế giới.
Đồng nhịp với thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI, trong Tông Huấn Ki-tô Hữu Giáo Dân (Christifideles Laici, 1988), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Giáo Hội nhìn thấy nơi giới trẻ con đường hướng về tương lai đang đợi mình, và Giáo Hội nhận ra nơi giới trẻ hình ảnh và lời nhắc nhủ về sự tươi trẻ mà Thần Khí của Đức Ki-tô dùng để không ngừng làm phong phú Giáo Hội” (Christifideles Laici 46). Ngài cũng nhắc nhở mọi người, đặc biệt các mục tử của Giáo Hội: Đừng coi giới trẻ chỉ như đối tượng của mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội mà thôi. Thực sự, giới trẻ đang được và phải được khuyến khích trở thành những chủ thể tích cực, tham gia vào việc Phúc-âm-hóa và đổi mới xã hội” (Christifideles Laici 46). Như thế, giới trẻ vừa là đối tượng phục vụ của Giáo Hội, vừa là chủ thể của Giáo Hội trong việc diễn tả khuôn mặt Đức Ki-tô cho anh chị em mình.
Thánh An-tôn Pa-đô-va (1195–1231), vị thánh trẻ và là nhà giảng thuyết lừng danh, khẳng định rằng ‘hành động có tiếng vang hơn lời nói’. Làm chứng cho niềm tin bằng hành động không phải là chuyện xa xưa, nhưng là chuyện của các thành phần trong thực thể có tên là ‘Giáo Hội của Đức Ki-tô’ hôm nay và luôn mãi. Do đó, nói đến Giáo Hội là nói đến cộng đoàn chứng nhân, nói đến Ki-tô hữu là nói đến chứng nhân, và đặc biệt, nói đến giới trẻ là nói đến những chứng nhân sống động nhất. Giới trẻ luôn là những người làm chứng cách hữu hiệu nhất, bởi vì hơn bất cứ tầng lớp nào, giới trẻ hiện diện trong hầu hết các lãnh vực xã hội.
2. Đọc dấu chỉ
Thế giới hôm nay biến đổi mau chóng và mạnh mẽ hơn nhiều so với quá khứ. Sự phát triển nhanh của khoa học, kỹ thuật, công nghệ dẫn đến những biến đổi nhanh về tâm thức và hành động của con người. Lịch sử nhân loại cho chúng ta biết rằng trong quá khứ, sự biến đổi từ hình thái xã hội hay phương thức lao động sản xuất này đến hình thái xã hội hay phương thức lao động sản xuất khác đòi hỏi thời gian khá dài. Trong bối cảnh hiện tại thì không còn như vậy nữa. Chủ trương của con người đương thời có thể tóm lại như sau: Trong một khoảng thời gian ngắn nhất, biến đổi được nhiều nhất, làm được nhiều việc nhất và thu được nhiều hoa lợi nhất.
Những vấn đề nổi cộm trong thế giới hôm nay rất đa dạng và liên quan đến mọi lãnh vực của đời sống con người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Chẳng hạn như những vấn đề gai góc nảy sinh trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của các dân tộc. Những vấn đề cụ thể khác cũng gai góc không kém, chẳng hạn như di dân bất hợp pháp, phân biệt chủng tộc, bạo lực, chiến tranh, dịch bệnh. Một số vấn đề khác nữa cũng được nhiều người quan tâm, chẳng hạn như sự ấm lên toàn cầu do hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn hay môi trường thiên nhiên bị khai thác quá mức.
Trong khi đời sống vật chất của con người ngày càng được cải thiện, đây đó vẫn còn sự nghèo đói, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn và các hình thức bất công ngày càng nhiều. Hơn nữa, tương quan giữa người với người xem ra càng nghèo nàn, các hình thức chủ nghĩa mới ra đời, chẳng hạn như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa tương đối. Đáng buồn hơn, sự xuống cấp về đời sống luân l‎ý đã dẫn đến bao hình thức lệch lạc và hệ lụy khác về phái tính, đồng tính luyến ái, hôn nhân tự do và ly dị lan tràn.
Sự khủng hoảng gia đình xảy ra khắp nơi trên thế giới. Những giá trị truyền thống của gia đình ngày càng phai nhạt. Gia đình đơn thân khá phổ biến. Các hình thức gia đình mở rộng không được quan tâm đúng mức. Hình ảnh gia đình gồm nhiều thế hệ, như ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt dưới một mái nhà rất hiếm. Đặc biệt, ở một số nước trên thế giới khi con cái đến tuổi trưởng thành, họ rời gia đình và sống riêng theo ý mình. Nghĩa ‘gia đình’ (family), nghĩa ‘nhà’ (home) xem ra không mấy quan trọng đối với nhiều người trẻ.
Thế giới kỹ thuật số (the digital world) hay thế giới ảo (the virtual world) ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ. Xét về mặt tích cực, thế giới này giúp người trẻ có điều kiện học hỏi, tích lũy kiến thức và trang bị những gì cần thiết cho cuộc sống. Tuy nhiên, thế giới này quá cuốn hút đối với người trẻ, cuốn hút đến mức có nhiều người ‘nghiện’. Một số người trẻ dành hầu hết thời gian để tương tác với thế giới này, và dĩ nhiên, họ không còn thời gian để tương tác với những con người bằng xương bằng thịt ngay cạnh họ. Như thế, mặt trái của thế giới này thật khủng khiếp. Nhiều người trẻ không còn liên lạc với những người thân thích của mình nữa. Họ lãnh đạm với ‘thế giới thực’, thế giới với những con người cụ thể đang hiện diện xung quanh mình.
Trong thế giới toàn cầu hóa hay thế giới phẳng, ngoài các hình thức thị trường truyền thống, như thị trường tiền tệ, thị trường hàng hóa, thị trường tư liệu sản xuất, thị trường phân phối sản phẩm, những người trẻ còn tiếp xúc với vô vàn hình thức thị trường khác nữa, chẳng hạn như ‘thị trường các ý tưởng’, ‘thị trường các tôn giáo’, bởi vì ngày càng dồi dào các ý tưởng và có thêm nhiều tôn giáo. Theo đó, những người trẻ có thể chọn lựa ý tưởng mà họ thích, tôn giáo mà họ muốn. Thực tế cho thấy rằng, vì quá nhanh và ảo, nhiều người trẻ nhầm lẫn trong việc chọn lựa và hậu quả là họ không có cơ hội để phát triển con người toàn diện.
Một số người trẻ cho rằng các tôn giáo với truyền thống lâu đời không năng động, không cuốn hút, không hấp dẫn, không phù hợp với họ, thậm chí còn làm chọ họ thất vọng. Họ cố gắng tìm tôn giáo phù hợp với não trạng mình. Đây là l‎ý do giải thích tại sao các tôn giáo mới nở rộ trên thế giới và không có dấu hiệu giảm lại. Với họ, tôn giáo nào phù hợp không gian, thời gian và hoài bão của họ, thì họ theo. Do đó, họ không quan tâm lắm về nội dung đức tin hay giáo l‎ý của mỗi tôn giáo.
Nhiều người trẻ còn đi xa hơn khi cho rằng họ có ‘đời sống tâm linh không tôn giáo’. Điều này có nghĩa rằng họ xây dựng linh đạo của mình, mà không nhất thiết phải quan tâm hay tham chiếu bất cứ hình thức tôn giáo đặc thù nào. Đối với họ, tôn giáo theo nghĩa truyền thống, tôn giáo với giới răn, cấu trúc, luật lệ, phụng vụ chặt chẽ, làm họ mất tự do lương tâm, tự do tư tưởng, cũng như các hình thức tự do khác và vì vậy làm giảm đi phẩm giá của họ. Họ tạo lập linh đạo riêng cho mình giữa ‘ma trận các linh đạo’ mà họ cho là không phù hợp, không đáng có.
Nhiều người trẻ thích thể thao hơn linh thao, thể chất hơn tinh chất, thể hình hơn siêu hình, thể diện hơn ẩn diện. Họ dành nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng và phát triển các tương quan bên ngoài hơn là chú ý để làm phong phú đời sống nội tâm. Họ để ý những gì có thể đụng chạm hay cân đong đo đếm được, hơn là nhưng gì thuộc bản chất con người và những gì là nền tảng làm cho con người phân biệt với vạn vật. Họ quan tâm đến đời sống văn hóa, xã hội, chính trị, thương mại, kỹ thuật, công nghệ, hơn là đời sống tôn giáo. Những ‘siêu nhân’, chẳng hạn như siêu diễn viên, siêu cầu thủ, siêu mẫu, siêu MC cuốn hút tâm trí họ. Do đó, họ tìm hiểu, học hỏi và định dạng mình theo phong cách những người này hơn bất cứ ai khác trên trần gian này.
Giáo dục Ki-tô Giáo thiếu chỗ đứng trong nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt, các quốc gia ở Châu Á. Thời gian, không gian, và nguồn lực dành cho giáo dục Ki-tô Giáo ở các quốc gia này quá hạn chế so với các hình thức giáo dục khác. Khi các Ki-tô hữu trẻ được giáo dục, đào tạo và trưởng thành trong những môi trường mà tinh thần Ki-tô Giáo bị phủ nhận hoặc chưa có cơ hội bén rễ, họ sẽ chối bỏ hoặc dần quên đi những giá trị căn bản của tôn giáo mình. Hậu quả là khi trưởng thành và tiếp cận môi trường mới, niềm tin của họ rất dễ lung lay và ngày càng trở nên phai nhạt.
Có nhữngngười trẻ đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và trở thành thành phần của Giáo Hội, tuy nhiên, họ sao nhãng với đời sống Giáo Hội khi gặp những biến chuyển mới. Họ cảm thấy miễn cưỡng khi tham gia đời sống và hoạt động của Giáo Hội. Đối với họ, đời sống cầu nguyện hay việc đến nhà thờ là chuyện rất riêng tư, chỉ khi họ cần mà thôi, chứ không phải là những gì ổn định, bền vững trong cuộc sống. Họ không chống lại Giáo Hội, không chống lại nội dung đức tin Ki-tô Giáo, tuy nhiên, họ không mấy quan tâm. Trong khi họ dành quá ít thời gian cho cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, tham dự các bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể, họ lại dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động khác. Một số người trẻ khi còn ở trong giáo họ, giáo xứ thì tham gia đời sống Giáo Hội khá đầy đủ. Tuy nhiên, khi học tập hay làm ăn sinh sống xa quê, họ không còn giữ ‘thói quen đạo đức, tốt lành, thánh thiện’ đó nữa. Những thách thức của môi trường mới làm cho họ không màng tới các hình thức đạo hạnh mà họ đã từng thực thi nơi quê hương mình.
Trong đời sống Giáo Hội, còn có nhiều vấn đề nổi cộm, chẳng hạn như vấn đề hội nhập văn hóa, đối thoại liên tôn, vai trò của phụ nữ, ơn gọi độc thân dâng hiến, đời sống luân l‎ý của nhiều Ki-tô hữu xuống cấp, hôn nhân gia đình đổ vỡ. Các hình thức lạm dụng quyền lực, lạm dụng tính dục của những người sống đời độc thân dâng hiến trong bậc giáo sĩ, tu sĩ đem đến những hệ lụy đau thương cho Giáo Hội. Căng thẳng giữa công lý và lòng thương xót liên quan đến những người lạm dụng luôn tồn tại. Làm sao Giáo Hội có thể làm chứng cho Đức Giê-su và Tin Mừng của Người giữa những tiêu cực nghiêm trọng của con cái mình? Làm sao Giáo Hội có thể thực thi vai trò ngôn sứ, trong khi con cái Giáo Hội sống ngược với kho tàng đức tin (depositum fidei) mà Giáo Hội đón nhận, sống, và chuyển tải?
Chúng ta có thể khẳng định rằng những tiêu cực trong xã hội và Giáo Hội khởi đi từ khủng hoảng đức tin (the crisis of faith). Sự khủng này dẫn tới các hình thức khủng hoảng khác, đặc biệt, khủng hoảng các chiều kích trong đời sống cá nhân và các tương quan giữa con người với nhau, với thế giới thụ tạo và với Thiên Chúa. Khi trái tim con người không còn chỗ cho đời sống nội tâm, cho đời sống tâm linh và cho Thiên Chúa, cũng là khi con người cho mình là đỉnh cao và trung tâm của vũ trụ này. Khi con người ‘qui ngã’, cũng là khi con người không còn là chính mình nữa và hậu quả là con người tự mình vùng vẫy giữa bóng đêm tội lỗi, sự dữ, và sự chết.
Trong thế giới hôm nay, cuộc sống của những người trẻ được đan dệt bởi các yếu tố nảy sinh từ các môi trường văn hóa, truyền thống và tôn giáo khác nhau. Họ dễ chấp nhận những gì mới mẻ nảy sinh từ các môi trường này. Không ai có thể thông thạo tất cả các lãnh vực để hướng dẫn họ cách thấu đáo. Do đó, sự cộng tác của mọi người trong tất cả các lãnh vực là cần thiết, để có thể giúp người trẻ sống tốt hơn, đồng thời, giúp họ trung tín, kiên vững hơn với niềm tin Ki-tô Giáo của mình giữa những bấp bênh và đổi thay của cuộc sống.
Giáo Hội được mời gọi tìm hiểu, đánh giá, lượng định những dấu chỉ thời đại để có thể giúp các bạn trẻ sống và diễn tả niềm tin của mình. Giáo Hội giúp các bạn trẻ biết đọc những dấu chỉ thời đại, biết biện phân, biết chọn lựa những gì phù hợp với bản chất của niềm tin Ki-tô Giáo. Không những thế, Giáo Hội luôn đồng hành với các bạn trẻ, để giúp họ trở thành những chứng nhân thực thụ của Đức Giê-su và Tin Mừng của Người trong mọi hoàn cảnh. Trước những dấu chỉ của thời đại, Giáo Hội nhắc lại câu hỏi của Đức Giê-su đối với các môn đệ tại Xê-da-rê Phi-líp-phê: “Anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,16). Khi các bạn trẻ nhận ra Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Đấng Ki-tô của Thiên Chúa hay Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, cũng là khi họ ý thức hơn về căn tính, đời sống và sứ mệnh của mình. Đồng thời, họ cảm nhận được sự cần thiết phải gắn bó với Người trong hành trình trần thế và chia sẻ kinh nghiệm cũng như cảm nhận của mình đối với những người xung quanh.
Giáo Hội tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn hiện diện và hoạt động trong thế giới thụ tạo, và Thiên Chúa luôn diễn tả chương trình của Người qua những dấu chỉ thời đại. Trong hành trình dương thế, một mặt, Giáo Hội trung tín với căn tính, đời sống và sứ mệnh của mình, mặt khác, Giáo Hội quan tâm đến những dấu chỉ thời đại. Tác vụ của Giáo Hội không chỉ giúp các bạn trẻ đọc những dấu chỉ thời đại, mà còn giúp họ trả lời cho những dấu chỉ đó dưới ánh sáng Lời Chúa. Giáo Hội luôn ý thức rằng Lời Chúa không lệ thuộc trực tiếp vào bất cứ nền văn hóa hay truyền thống đặc thù nào, nhưng là thực thể sống động, luôn thích ứng với mọi nền văn hóa và truyền thống trong gia đình nhân loại (Evangelii Nuntiandi 20). Như vậy, giữa những dấu chỉ thời đại, với ánh sáng Lời Chúa, các bạn trẻ luôn nhận ra chỗ đứng của mình trong lòng Giáo Hội, đồng thời, nhận ra sứ mệnh của mình giữa lòng nhân thế.
Nhìn lại lịch sử, Giáo Hội luôn ý thức đặc tính của mình là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, tuy nhiên, Giáo Hội cũng ý thức mặt tối nơi các thành phần trong Giáo Hội luôn còn đó. Giữa những căng thẳng, khó khăn và thử thách của hành trình trần thế, Giáo Hội luôn vững tin rằng, trong Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su luôn hiện diện với Giáo Hội. Người không để Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm của Người quỵ ngã trước sự tấn công của ba thù: Ma quỉ, thế gian, xác thịt. Con thuyền Giáo Hội giữa biển đời có khi yên tĩnh, có khi tròng trành, có khi nguy khốn, tuy nhiên, không bao giờ bị chìm xuống, vì có Đức Giê-su là Thuyền Trưởng luôn ở đàng lái (Mc 4,38). Người luôn đồng hành và dẫn dắt Giáo Hội, như Người đã đồng hành và dẫn dắt các môn đệ trên các nẻo đường của miền Pa-lét-tin (Palestine), đặc biệt, sau khi Phục Sinh, Người đã đến với hai môn đệ trên đường Em-mau để trao ban bình an và hy vọng cho họ. Cùng với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, họ đã trở nên những nhân chứng thực thụ của Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại.
3. Đường Em-mau
Ba tài liệu quan trọng nhất liên quan đến Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Giới Trẻ là Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris), Tài Liệu Đúc Kết (Final Document) và Tông Huấn Đức Ki-tô Đang Sống (Christus Vivit) của Đức Thánh Cha Phan-xi-côViệc đặt tiêu đề của phần này là ‘Đường Em-mau’ để trình bày ‘Nhãn Quan Giáo Hội về Giới Trẻ trong Thế Giới hôm nay’ khởi đi từ kinh nghiệm cá nhân được tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Giới Trẻ (Rôma, 2018). Đây là Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đầu tiên được tổ chức để tìm hiểu, đánh giá, lượng định về vị trí, vai trò và sứ mệnh của giới trẻ trong đời sống Giáo Hội. Nhờ vậy, Giáo Hội có được bức tranh tổng thể về giới trẻ để đồng hành, chăm sóc mục vụ và giúp họ lớn lên trong đức tin, chọn lựa, và phân định ơn gọi.
Tài Liệu Làm Việc gồm ba phần, Phần I – Nhận Diện: Giáo Hội lắng nghe thực tại; Phần II – Giải Thích: Đức tin và sự phân định ơn gọi; Phần III – Chọn Lựa: Những con đường hoán cải về mục vụ và loan báo Tin Mừng. Sau gần bốn tuần làm việc, các Nghị Phụ đã thống nhất Tài Liệu Đúc Kết Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Giới Trẻ cũng gồm 3 phần, nhưng đổi lại các đề mục, dựa trên câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau: Phần I – Đức Giê-su đi với họ; Phần II – Mắt họ mở ra; Phần III: Ngay lúc ấy, họ ra đi. Như chúng ta thấy, các đề mục trong Tài Liệu Đúc Kết phản ánh nhãn quan mới mẻ của các Nghị Phụ so với Tài Liệu Làm Việc. Ngôn ngữ Kinh Thánh đóng vai trò chủ đạo trong Tài Liệu Đúc kết, trong đó, câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau là xương sống (backbone) hay mô hình (model) cho sự khai triểncác chủ đề mà Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Giới Trẻ quan tâm.
Câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau cũng phản ánh cách thấu đáo 3 phần căn bản của Tài Liệu Làm Việc là: Nhận diện, giải thích và chọn lựa. (1) Nhận  Diện – Họ nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh; (2) Giải Thích – Họ giải thích kinh nghiệm gặp gỡ Người; (3) Chọn Lựa – Họ trở về với cộng đoàn mà họ đã bỏ đi vì thất vọng. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là hai môn đệ có khả năng nhận diện, giải thích và chọn lựa, mà nhờ ‘sự đồng hành bất chợt của người khách lạ’, sự đồng hành của Đức Giê-su Phục Sinh.
Khi nghiên cứu Tài Liệu Làm Việc, các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Giới Trẻ đề nghị đưa vào Tài Liệu Đúc Kết nhiều tham chiếu Kinh Thánh hơn nữa. Bởi vì Tài Liệu Làm Việc quan tâm đến ngôn ngữ nhân loại học và các khoa học xã hội, trong khi ngôn ngữ Kinh Thánh ít được đề cập tới. Theo quan điểm của nhiều Nghị Phụ, cần có sự ưu tiên cho ngôn ngữ Kinh Thánh so với các hình thức ngôn ngữ khác, bởi vì ngôn ngữ Kinh Thánh là ngôn ngữ chính của nội dung đức tin Ki-tô Giáo, đồng thời, cũng là ngôn ngữ chính của Giáo Hội. Một số Nghị Phụ cho rằng ngôn ngữ của Tài Liệu Làm Việc nặng tính lo-gíc, hàn lâm vànghiên cứu, hơn là tính mục vụ, áp dụng và thực hành. Để có được Tài Liệu Đúc Kết, khoảng 400 góp ý sửa đổi liên quan đến Tài Liệu Làm Việc.Dĩ nhiên, những điểm căn bản của Tài Liệu Làm Việc đã được tích hợp trong Tài Liệu Đúc Kết. Cuối cùng, trong Tông Huấn Đức Ki-tô Đang Sống, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô diễn tả rất thấu đáo những tư tưởng chính mà Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Giới Trẻ quan tâm, khai triển trongTài Liệu Làm Việc Tài Liệu Đúc Kết.
Trở lại với câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau, diễn ra trong ngày Đức Giê-su Phục Sinh, câu chuyện này được thánh ký Lu-ca trình thuật ở chương cuối cùng trong Tin Mừng ngài biên soạn (Lc 24,13-35). Chỉ 23 câu, nhưng thánh nhân đã diễn tả những điểm chính yếu trong cuộc gặp gỡ đầy ngạc nhiên, l‎ý thú và ý nghĩa giữa Đức Giê-su và hai môn đệ trẻ. Câu chuyện này có thể áp dụng cho mỗi cá nhân, cho toàn thể Giáo Hội, đặc biệt, cho cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể.
Thánh Lu-ca trình thuật rằng hai môn đệ trên đường trở về Em-mau, sau khi chứng kiến hành trình rao giảng, sự đau khổ và sự chết của Đức Giê-su. Ban đầu, Đức Giê-su xuất hiện và đi cùng hai ông, nhưng họ không nhận ra Người. Đức Giê-su hỏi họ về những chuyện họ đang bàn tán và đã giải thích cho họ về những gì liên quan đến Người theo Kinh Thánh Cựu Ước: “Bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,27). Đến gần làng của họ, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa, nhưng họ đã mời Người ở lại. Khi đồng bàn với họ, Đức Giê-su đã cầm bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ mở ra và nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Trước cảnh tượng đó, họ đã hồi tưởng lại những gì Đức Giê-su trao đổi với họ trên đường đi. Sau đó, họ trở về Giê-ru-sa-lem để loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Phục Sinh cho các môn đệ khác. Hình ảnh hai môn đệ khi sum họp với các môn đệ đang ở Giê-ru-sa-lem hết sức đặc biệt. Vừa tới nơi, hai môn đệ chưa kịp cất lời, thì các môn đệ ở Giê-ru-sa-lem đã mừng rỡ báo cho họ biết: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn” (Lc 24,34). Hai ông cũng thuật lại cho các môn đệ ở Giê-ru-sa-lem về những gì xảy ra đối với họ trên đường Em-mau, đặc biệt, khi người khách bộ hành ở lại nhà họ.
Thánh ký Lu-ca không cho chúng ta biết thêm nhiều về những gì Đức Giê-su đã nói, đã làm trong thời gian ở lại với họ. Tuy nhiên, những gì thánh nhân trình bày cho phép chúng ta hiểu được rằng khi Đức Giê-su ở lại với họ, Người không chỉ quan tâm đến đời sống tâm linh, mà còn quan tâm đến tất cả các chiều kích khác của đời sống họ nữa. Biến cố Em-mau có thể được chia làm ba ‘thì’: (1) Chia sẻ Lời Chúa, (2) cử hành Bí Tích Thánh Thể và (3) loan báo Tin Mừng. Đây cũng là ba thì trong đời sống Giáo Hội, ba thì trong đời sống mỗi Ki-tô hữu. Đặc biệt, đây là ba thì của cộng đoàn tham dự Bí Tích Thánh Thể.
Tâm trạng của hai môn đệ trên đường Em-mau là tâm trạng của những người vô vọng. Cũng như các môn đệ Đức Giê-su và nhiều người khác, họ mong đợi Đức Giê-su sẽ giải thoát họ, giải thoát dân tộc Do-thái. Họ nói với người khách lạ đang đồng hành: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en” (Lc 24,21). Giấc mơ giải phóng trong họ cũng như nhiều người Do-thái khác đã tan biến thành mây khói khi Đức Giê-su đã chết. Đó là l‎ý do giải thích tại sao họ rời bỏ cộng đoàn Giê-ru-sa-lem để trở về làng quê Em-mau, trở về đường xưa lối cũ của mình.Khi họ quay lưng lại với cộng đoàn Đức Giê-su thiết lập, cũng là khi ‘trời tối dần’, trí tối dần, tâm tối dần. Tuy nhiên, họ không ngừng trăn trở về Đức Giê-su, và quả thực, họ có cơ hội được khai trí mở lòng. Đức Giê-su, người khách lạ, đã giải thích cho họ về những trăn trở đó, dựa trên tâm tình tôn giáo của cha ông họ trong Cựu Ước.
Khi Đức Giê-su Bẻ Bánh, mắt họ mở ra và họ nhận ra Người. Chúng ta có thể lý giải rằng nếu họ không được chuẩn bị trước đó, nếu Đức Giê-su đã không trò chuyện với họ trước đó, nếu Đức Giê-su không đánh thức con tim của họ trước đó, thì khi Đức Giê-su bẻ bánh, họ không thể nào nhận ra Người được. Trên đường Em-mau, con mắt thể l‎ý của hai môn đệ luôn mở ra, mở ra để thấy đường về cố hương. Tuy nhiên, mắt tâm linh của họ vẫn bị đóng lại, bởi vì họ đi ngược hướng, đi ngược đường.Hướng họ đi là hướng chiều tà, hướng mặt trời lặn, hướng của đêm tối. Đức Giê-su muốn họ đi về hướng Giê-ru-sa-lem, hướng Đức Giê-su là ‘Hừng Đông Rực Rỡ’, là  ‘Mặt Trời Công Chính’. Đức Giê-su là Đường, nhưng không phải là con đường nhung lụa của vinh quang trần thế, càng không phải là con đường trở về quê quán trần gian. Người là Đường Xuống Với Con người, Đường Đau Khổ, Đường Thập Giá, Đường Trái Tim, Đường Thánh Thiện, Đường Về Với Thiên Chúa.
Dưới sự hướng dẫn của Thần Khí Đấng Phục Sinh, họ đã trở về Giê-ru-sa-lem và cùng với các môn đệ khác, họ ra đi loan báo Đức Giê-su Phục Sinh và Tin Mừng của Người khắp nơi. Những gì họ được nghe, được chia sẻ khi gặp gỡ Đức Giê-su Phục Sinh trở thành động lực cho sứ mệnh của họ đến hơi thở cuối cùng. Như vậy, tất cả mọi sự bắt đầu bằng việc gặp gỡ Đức Giê-su Phục Sinh, được Người chia sẻ, được Người hướng dẫn. Điều này, cho phép chúng ta rút ra hệ luận rằng ai không muốn gặp gỡ Đức Giê-su Phục Sinh, ai không muốn Người chia sẻ, ai không muốn Thánh Thần của Người hướng dẫn, người đó không thể là chứng nhân của Đức Giê-su Phục Sinh và Tin Mừng của Người được.
Ai ý thức sự hiện diện của Đức Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể, thì cũng hiệp thông với Người cách mật thiết và cảm nhận được sự thúc đẩy ‘sống Bí Tích Thánh Thể’ cách chân thành trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình. Người tham dự Lễ Bẻ Bánh, cũng là người biết chia sẻ tình bác ái và những gì thuộc về mình cho những người xung quanh. Khi làm như vậy, họ minh chứng rằng mình là dấu chỉ khả tín của Đức Giê-su và Tin Mừng của Người. Họ có thể đồng hành với những người khác như Đức Giê-su đồng hành với họ, yêu người khác như Đức Giê-su đã yêu họ và chia sẻ với người khác như Đức Giê-su đã chia sẻ với họ.
Trong Tông Huấn Đức Ki-tô Đang Sống, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết:“Đức Giê-su cùng đi với các môn đệ trên đường Em-mau, ngay cả khi họ đang đi lạc hướng. Khi Đức Giê-su dự định đi xa nữa, họ nhận ra rằng Đức Giê-su đã cho họ món quà thời gian, vì vậy họ quyết định cho Người thời gian của họ bằng sự tiếp đón Người chu đáo” (Christus Vivit292). Hai môn đệ có quyền tự do mời người khách bộ hành ở lại với họ hoặc để người khách bộ hành tiếp tục đi.Nếu hai môn đệ trên đường Em-mau không mời người khách bộ hành cùng đi, không mời Đức Giê-su cùng đi, và đặc biệt không quảng đại mời Người ở lại nhà họ, thì họ đã không có cơ hội nhận ra Người, cũng như nhận ra mình để biến đổi và trở thành khí cụ hữu hiệu của Người.
Mời người lạ vào nhà mình, mời những người chưa biết Đức Giê-su và Tin Mừng của Người về nhà mình, tỏ lòng tốt, lòng hiếu khách và phục vụ khách lạ cách tận tình như hai môn đệ trên đường Em-mau là cách tốt nhất để mọi người thể hiện mình là môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su giữa dòng đời. Hôm nay, Đức Giê-su vẫn nhắc nhở chúng ta: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,35-36). Là những môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta không chỉ quan tâm đến việc giữ Mười Giới Răn và những bổn phận khác thuộc luật Chúa, luật Giáo Hội, mà còn quan tâm đến ‘những việc tốt’ cần phải làm trong tương quan với anh chị em chúng ta nữa.
Đức Giê-su là người khách bộ hành của cuộc đời chúng ta. Người đến với chúng ta những lúc chúng ta không ngờ tới. Người đến theo ‘thời của Người’ là’thời tình yêu vĩnh cửu’. Nghĩa là Người luôn đến với chúng ta và đồng hành cùng chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời.Chúng ta hãy mời Đức Giê-su Phục Sinh ở lại với chúng ta, để nhờ Người, con mắt tâm hồn của chúng ta luôn mở ra và nhận ra Người. Câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau không chỉ là câu chuyện cách đây gần 2000 năm, mà là câu chuyện của ngày hôm nay và luôn mãi, vì Đức Giê-su là Bạn luôn đồng hành và hướng dẫn mỗi người chúng ta. Câu chuyện này vừa là khuôn mẫu cho chương trình mục vụ của Giáo Hội đối với giới trẻ, đồng thời, vừa là khuôn mẫu cho đời sống và sứ vụ của những người trẻ trong Giáo Hội, cũng như tất cả mọi Ki-tô hữu.
Câu chuyện hai môn đệ trẻ trên đường Em-maugợi lại cho chúng ta câu chuyện Đức Giê-su làm cho con trai bà goá thành Na-in sống lại: “Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ” (Lc 7,14-15). Trước khi gặp Giê-su Phục Sinh, hai môn đệ trên đường Em-mau đang sống, nhưng có thể xem như đã chết. Hy vọng của họ về sự biến đổi thân phận mình cũng như dân tộc Do Thái đã vụt tắt, vì Đức Giê-su đã chết. Tuy nhiên, với Đức Giê-su Phục Sinh, họ đã được sống lại, bởi vì họ nhận được Thần Khí của Người, Thần Khí luôn nhắc nhở họ ‘hãy trỗi dậy’.Nhờ vậy, họ ý thức rằng sự biến đổi thân phận của họ và của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại còn kỳ diệu hơn, là trở thành con cái Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su, trong Quê Hương Vĩnh Cửu.Đó là l‎ý do giải thích tại saohọ lập tức trở về Giê-ru-sa-lem để cùng với các môn đệ khác ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh.
Giáo Hội tiếp tục sống kinh nghiệm biến cố Em-mau bằng cách thực thi sự hòa hợp giữa ba thì, đó là: Chia sẻ Lời Chúa, cử hành Bí Tích Thánh Thể và làm chứng cho Đức Giê-su và Tin Mừng của Người bằng cuộc sống. Trong thực tế, chúng ta nhận ra những bất cập, khập khiễng, lệch lạcnhất định trong ba thì này đối với con cái Giáo Hội. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng những bất cập, khập khiễng, lệch lạc của con cái Giáo Hội trong quá khứ cũng như hiện tại ít khi khởi xuất ở’thì chia sẻ Lời Chúa’hay ‘thì cử hành Bí Tích Thánh Thể’, mà ở ‘thì hành động’. Sự u tối, lệch lạc và thiên kiến của những người Pha-ri-sêu, kinh sư, luật sĩ mà Đức Giê-su đề cập trong hành trình loan báo Tin Mừng của Người luôn là những bài học có tính thời sự cho tất cả con cái Giáo Hội qua dòng thế kỷ.
Câu chuyện hai môn đệ trẻ trên đường Em-mau mãi mãi là câu chuyện mẫu mực cho tất cả mọi người, đặc biệt chonhững người trẻ. Giáo Hội chính là ‘sự nhập thể của biến cố Em-mau’ cho đến tận thế. Do đó,Giáo Hội luôn đồng hành với các bạn trẻ trong cả ba thì của biến cố Em-mau, đó là chia sẻ Lời Chúa, cử hành Bí Tích Thánh Thể vàloan báo Tin Mừng. Giáo Hội đồng hành với các bạn trẻ trong việc thăng tiến đức tin,nhận diện và giải thích thực tại, đồng thời, giúp họ trong việc chọn lựa ơn gọi vàtrung tín với ơn gọi của mình giữa những khó khăn bấp bênh của cuộc sống hằng ngày. Sự trưởng thành toàn diện của những người trẻ và sự đóng góp của họ cho gia đình, Giáo Hội và xã hội lệ thuộc rất lớn vào đường hướng mục vụ của Giáo Hộihôm nay và luôn mãi.
4. Hướng mục vụ
Trong Sứ Điệp gửi các bạn trẻ khi kết thúc Công Đồng Vatican II (8/12/1965), các Nghị Phụ nhấn mạnh rằng Giáo Hội “trở nên phong phú bởi lịch sử lâu dài và sống động, và hướng tới sự hoàn thiện của con người trong thời gian và các định mệnh tối hậu của lịch sử và cuộc sống, Giáo Hội thực sự trẻ trung cho thế giới.” Điều này thật đúng đắn, bởi vì Đức Giê-su là Đấng trẻ trung luôn mãi. Giáo Hội là bí tích của Đức Giê-su, do đó, Giáo Hội cũng là thực tại trẻ theo khuôn mẫu của Người. Trong Tông Huấn Đức Ki-tô Đang Sống, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô giải thích: “Giáo Hội trẻ trung khi Giáo Hội là chính mình, khi Giáo Hội luôn nhận được sức mạnh khởi xuất từ Lời Chúa, Bí Tích Thánh Thể, và sự hiện diện mỗi ngày của Đức Ki-tô và quyền năng của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Giáo Hội trẻ trung khi chứng thực khả năng luôn trở về nguồn của chính mình” (Christus Vivit 35).
Giáo Hội trẻ trung ra đi cùng với các bạn trẻ, và cùng họ đến với tất cả mọi người. Giáo Hội chuẩn bị tâm hồn cho các bạn trẻ, làm cho họ thấm nhuần tinh thần Tin Mừng để cùng họ đem Tin Mừng đến cho người khác. Hiến chế Gaudium et Spes của Công Đồng Vatican II khẳng định: “Đầu mối, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở trong Ðức Kitô là Chúa và là Thầy của Giáo Hội. Hơn nữa, Giáo Hội còn xác nhận rằng qua mọi thay đổi, có nhiều điều vẫn không đổi thay vì nền tảng cuối cùng của những điều không thay đổi này là Chúa Kitô, Ðấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Gaudium et Spes10). Như Đức Giê-su đã phó thác chương trình của mình cho các môn đệ, Giáo Hội cũng phó thác chương trình của mình cho các bạn trẻ, để nhờ và qua các bạn trẻ, căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội được tỏ hiện cách rõ ràng hơn giữa lòng nhân thế.
Để công việc mục vụ giới trẻ ngày càng hiệu quả hơn, khái niệm ‘tính hiệp hành’ (synodality) được Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Giới Trẻ 2018 quan tâm nhất. Khái niệm này cho phép mọi người ý thức hơn về bản chất của Giáo Hội.’Synodality’ phát xuất từ ‘synod’ (công nghị). Trong tiếng Hy Lạp ‘synod’ được hình thành bởi giới từ ‘συν’ (với) và danh từ ‘όδός’ (đường). Như vậy ‘synod’ (σύνοδος, synodos) là’đi cùng con đường’, chẳng hạn như Dân Thiên Chúa đi cùngcon đường, đồng hành cùng nhautiến về Nước Thiên Chúa. Khái niệm này có nền tảng Kinh Thánh, truyền thống và Giáo Huấn vững chắc. Các Đức Giáo Hoàng trong lịch sử Giáo Hội ít khi nói đến ‘dân chủ hóa Giáo Hội’, mà nói nhiều về sự tham gia, cộng tác của các thành phần trong Giáo Hội. Các Đức Giáo Hoàng trong những thập niên gần đây đề cập nhiều hơn về ý tưởng này, chẳng hạn như thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Đức Thánh Cha Bê-nê-đích-tô XVI vàĐức Thánh Cha Phan-xi-cô.
Giáo Hội là ‘thực tại hiệp hành’. Tính hiệp hành phản ảnh bản chất của Giáo Hội là cộng đoàn được Thiên Chúa kêu gọi và triệu tập (ἐκκλησία, Ecclesia) để đồng hành với Đức Giê-su Phục Sinh trong Chúa Thánh Thần cho đến tận thế. Tinh thần hiệp hành được diễn tả quacác Công Đồng trong lịch sử, nhất là Công Đồng Vatican IIvà các Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới được tổ chức sau Công Đồng Vatican II cho đến hôm nay. Tinh thần hiệp hànhmời gọi tất cả mọi người tham gia, mọi người đóng góp cho sự tiếp tục, tồn tại và phát triển của Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội là của tất cả mọi người và cho tất cả mọi người. Quyền bính của Giáo Hội là quyền bính hiệp hành, tinh thần của Giáo Hội là tinh thần hiệp hành. Tinh thần này cho phép Giáo Hội duy trì sự hiệp nhất trong đa dạng, không theo nghĩa ‘dân chủ hóa’ mang tính chính trị, xã hội, nhưng theo nghĩa ‘cùng hướng về Thiên Chúa’ trong hành trình trần thế của Giáo Hội.
Tính hiệp hành của Giáo Hội không chỉ được diễn tả trong việc chăm sóc mục vụ giới trẻ mà còn trong mọi khía cạnh và chiều kích khác nhau của Giáo Hội. Giáo Hội hiệp hành (the synodal Church) là Giáo Hội trong đó mọi người cùng hướng về mục đích chung là Đức Ki-tô viên mãn (Ep 1,9-10). Kinh nghiệm về Giáo Hội hiệp hành cho phép thực thi tinh thần hiệp hành trong các tổ chức, các giáo xứ, giáo phận, cũng như tất cả các lãnh vực khác trong đời sống Giáo Hội. Mỗi cộng đoàn, mỗi giáo hội địa phương phát huy tinh thần hiệp hành của Giáo Hội đối với đời sống và sứ mệnh cụ thể của cộng đoàn hay giáo hội địa phương mình. Các thành phần trong Giáo Hội cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần để đồng hành với nhau, nhất là đồng hành với giới trẻ.
Giáo Hội hiệp hành là Giáo Hội lắng nghe. Trong Diễn từ nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, 17/10/2015, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói: “Giáo Hội hiệp hành là Giáo Hội lắng nghe, với ý thức rằng việc lắng nghe (listening) ‘còn hơn cả nghe (hearing)’. Đó là một sự lắng nghe qua lại, trong đó, mỗi người đều có điều gì đó để học. Các tín hữu, Giám Mục Đoàn, Giám Mục Rô-ma: Tất cả lắng nghe nhau, và tất cả lắng nghe Chúa Thánh Thần, ‘Thần Khí sự thật’ (Ga 14,17), để biết điều Người ‘nói với các Hội Thánh’ (Kh 2,7).” Lắng nghe trở hành điều kiện căn bản, điều kiện then chốt, điều kiện không thể thiếu để Giáo Hội thi hành sứ mệnh của mình. Do đó, trong chương trình mục vụ giới trẻ, Giáo Hội phải luôn là Giáo Hội lắng nghe các bạn trẻ,hầu có thể đi vào cuộc sống của họ, để đồng hành và phục vụ họ cách đắc lực nhất.
Giáo Hội hiệp hành là Giáo Hội đối thoại, đối thoại với các bạn trẻ trên bình diện cá nhân và các hình thức tập thể. Đối thoại với các bạn trẻ sẽ làm cho tương quan giữa các vị hữu trách trong Giáo Hội và các bạn trẻ ngày càng gần gũi và gắn bó hơn, đồng thời, cho phép Giáo Hội vạch ra chương trình và đườnghướng mục vụ giới trẻ hiệu quả hơn. Cảm thức đức tin của các tín hữu (sensus fidei fidelium), đặc biệt, cảm thức đức tin của các bạn trẻ cần được quan tâm đúng mức. Việc đối thoại giúp tất cả mọi người được soi sáng để có thể giải quyết những vấn đề phức tạp đang tồn tại trong các tương quan và cùng nhau tìm ra đường hướng mục vụ mới và tốt đẹp hơn cho Giáo Hội. Nhờ đối thoại, Giáo Hội giúp các bạn trẻ nhận ra ơn gọi và đặc sủng của mình trong thân thể có tên là ‘Giáo Hội’, mà các bạn trẻ là những thành phần sống động.
Giáo Hội hiệp hành không chỉ là Giáo Hội giảng dạy (Ecclesia docens), mà còn là Giáo Hội học hỏi nữa (Ecclesia discens). Giáo Hội học hỏi từ các lãnh vực khác trong đời sống con người, đặc biệt, từ các khoa học xã hội. Giáo Hội học hỏi từ các bạn trẻ, chẳng hạn như học hỏi ‘văn hóa của họ’, ‘biểu tượng của họ’, ‘ngôn ngữ của họ’, ‘thói quen của họ’, và tất cả những gì liên quan đến họ. Cùng với họ, Giáo Hội dấn thân vào các môi trường nơi họ hiện diện và hoạt động. Trong mọi hoàn cảnh, cảm thức đức tin của các tín hữu, cảm thức đức tin của các bạn trẻ, cần được quan tâm và tích hợp trong đời sống Giáo Hội. Tham khảo, học hỏi từ các bạn trẻ là điều thiết yếu giúp Giáo Hội diễn tả chính mình là Giáo Hội trẻ cho các bạn trẻ.
Giáo Hội hiệp hành là Bạn của các bạn trẻ. Đối với giới trẻ, tình bạn rất quan trọng, đặc biệt, tình bạn của những người cùng lứa tuổi, cùng trình độ học vấn, cùng đam mê, cùng sở thích (peer friends, peer relationships). Để giúp các bạn trẻ triển nở trong các tương quan đó, Giáo Hội tạo điều kiện để các bạn trẻ tiếp cận nội dung đức tin Ki-tô Giáo cách đầy đủ nhất qua các chương trình huấn luyện, dựa trên Giáo Huấn của Giáo Hội, đặc biệt, Giáo L‎ý của Giáo Hội và các tài liệu hữu ích khác như YouCat và DoCatvà các Tông Huấn, Thông Điệp của các Đức Giáo Hoàng. Ngôn ngữ tình bạn phải là ngôn ngữ quan trọng trong mục vụ của Giáo Hội đối với các bạn trẻ.
Giáo Hội mời gọi các bạn trẻ xây dựng tương quan tình bạn đặt nền tảng trên tương quan của họ đối với Người Bạn Lớn (Big Brother) là Đức Giê-su. Đối với Người, tình yêu của Người cũng chính là tình bạn và ngược lại (Ga 15,12-15). Giáo Hội luôn gần gũi với các bạn trẻ như chính Đức Giê-su luôn gần gũi với các môn đệ của Người. Tình bạn sâu đậm đó được diễn tả qua hình ảnh cây nho và cành nho liên kết với nhau và trổ sinh hoa trái dồi dào (Ga 15,1-8). Khi Đức Giê-su là Bạn của các bạn trẻ, khi Giáo Hội là Bạn của các bạn trẻ, cũng là khi các bạn trẻ nhận ra rằng họ có trách nhiệm đối với Bạn mình và vì vậy họ sẽ thiết lập tình bạn với những người khác dựa trên tinh thần là bạn của Đức Giê-su, là bạn của Giáo Hội.
Giáo Hội hiệp hành diễn tả chính mình như là Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian này. Nơi đây, mọi người được đón nhận, được nâng đỡ và được phát triển phù hợp với phẩm giá mình. Nơi đây, mọi người ‘đi cùng con đường’ (σύνοδος, synodos)trong hành trình tiến về với Gia Đình Thiên Chúa. Như là Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian, Giáo Hội đồng hành với các bạn trẻvà cho họ hiểu rằng sự quan tâm của Giáo Hội không chỉ là gia đình cơ bản, gia đình là tế bào xã hội. Giáo Hội giúp các bạn trẻ có tầm nhìn rộng hơn về các hình thức gia đình mở rộng nữa, chẳng hạn như gia đình giáo họ, giáo xứ, gia đình dòng tu, gia đình giáo phận, gia đình các dân tộc, gia đình nhân loại. Tất cả các hình thức gia đình này sẽ sinh hoa kết trái dồi dào khi được nuôi dưỡng bởicác giá trị của Gia Đình Thiên Chúa, được Đức Giê-su loan báo và thực thi trong hành trình trần thế, và được Giáo Hội tiếp tục diễn tả trong sứ mệnh của mình.
Giáo Hội hiệp hành là Giáo Hội phục vụ xã hội. Các thành phần trong Giáo Hội đi cùng với Thiên Chúa và cùng đi với nhau, thì sẽ có cùng viễn kiến trong môi trường nhân loại. Giáo Hội luôn ý thức rằng Giáo Hội không tách mình khỏi nhân loại, Giáo Hội ở trong nhân loại, Giáo Hội đồng hành cùng nhân loại. Tính hiệp hành của Giáo Hội thể hiện cho đến khi tất cả mọi người trong gia đình nhân loại cùng đi với Thiên Chúa và cùng đi với nhau hướng về Nước Thiên Chúa viên mãn. Như đã được đề cập ở trên, việc Đức Giê-su cùng đi với hai môn đệ trên đường Em-mau là hình ảnh giúp Giáo Hội mời gọi tất cả mọi người, đặc biệt mời gọi các bạn trẻ khác cùng đi Đường Đức Giê-su, cùng lắng nghe Đức Giê-su, cùng chia sẻ Bánh Đức Giê-su và cùng Đức Giê-su loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người.
Như hai môn đệ trên đường Em-mau, các bạn trẻ được mời gọi cộng tác với Giáo Hội trong việc phân định ơn gọi của mình, hầutrong bất cứ hình thức ơn gọi nào, các bạn trẻ đều là những chứng nhân của Đức Giê-su và Tin Mừng của Người. Để được như thế, trước hết các bạn trẻ phải là con người của niềm tin, tình yêu và hy vọng dựa trên nội dung đức tin Ki-tô Giáo. Các bạn trẻ đều có ơn gọi chung là ‘theo Đức Giê-su’, trước tất cả các hình thức ơn gọi cụ thể khác, chẳng hạn như độc thân dâng hiến trong bậc linh mục, tu sĩ, sống đời thánh hiến, hay bất cứ hình thức ơn gọi nào khác. Để có thể trung tín với ơn gọi là môn đệ của Đức Giê-su, Giáo Hội giúp các bạn trẻ tạo ‘thói quen gần gũi với Người’, để từ đó, họ luôn là nhân chứng của Người cho anh chị em mình.
Giáo Hội khởi xuất từ ý định đời đời của Thiên Chúa Cha, được Chúa Giê-su thiết lập và Chúa Thánh Thần thánh hóa, để tiếp tục sự hiện diện của Đức Giê-su giữa dòng đời. Giáo Hội mời gọi các bạn trẻ hãy có ‘tinh thần Giáo Hội’, hãy là ‘những diễn viên thực thụ’ của Giáo Hội, chứ không phải là những khán giả hay những người bên ngoài. Giáo Hội bao gồm những người bất xứng, tội lỗi, nhưng Giáo Hội luôn là ‘dấu chỉ và khí cụ’ diễn tả tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và nhân loại, cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo này (Lumen Gentium 1). Thực tế cho thấy rằng có những bạn trẻ thưa ‘vâng’ (yes) với Đức Giê-su, nhưng lại thưa ‘không’ (no) với Giáo Hội. Một số bạn trẻ nhìn nhận Giáo Hội như là thực tại già cỗi, lỗi thời, là thực tại thuộc quá khứ, đang kìm hãm hay phân tán tư tưởng của họ. Do đó, các bạn trẻ dành nhiều thời gian cho âm nhạc, cho thể thao và các hình thức tiêu khiển khác, hơn là dành thời gian diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội mà họ là những thành phần.
Trong sứ vụ rao giảng của mình, Đức Giê-su không ‘hạ thấp’ chương trình của Người để phù hợp với tâm thức của các môn đệ trẻ. Đức Giê-su mời họ ‘đến mà xem’ và họ bị Người cuốn hút, không phải bởi sự dễ dãi nhưng bởi sự ngạc nhiên với giáo huấn của Người (Ga 1,35-39). Theo chân Đức Giê-su, Giáo Hội không tầm thường hóa nội dung đức tin mà Giáo Hội được ủy thác gìn giữ, sống và loan truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác trong dòng lịch sử. Giáo Hội không ‘hạ thấp’ những bổn phận của Ki-tô hữuđể ‘làm vừa lòng’ các bạn trẻ. Giáo Hội mời gọi các bạn trẻ đến với Giáo Hội, ở lại với Giáo Hội và nhận ra Giáo Hội chính là thực thể tiếp tục Biến Cố Đức Giê-su Ki-tô trong hành trình trần thế.
Như đã được đề cập ở trên, toàn cầu hóa và thế giới kỹ thuật số đem lại nhiều cơ hội cho con người phát triển, tuy nhiên, cũng hàm chứa nhiều thách đố và muôn hình thức cám dỗ. Một mặt, toàn cầu hóa và thế giới kỹ thuật số giúp con người sống gần nhau hơn, sự chia sẻ đời sống vật chất, tinh thần ngày càng dễ dàng hơn. Mặt khác, toàn cầu hóa, thế giới kỹ thuật số và cùng với con đẻ của nó là thế giới ảo luôn chứa đựng những bất trắc, bất cập, bất hòa hợp giữa con người với nhau, cũng như giữa con người với thế giới thụ tạo. Toàn cầu hóa và thế giới kỹ thuật số vừa là cơ hội để Giáo Hội thuận tiện hơn trong việc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, vừa là thách đố lớn lao đối với con cái Giáo Hội trong việc trung tín với niềm tin của mình giữa muôn lựa chọn và thực thể hấp dẫn khác.
Các phương tiện truyền thông, thông tin hiện đại có thể là ‘những đầy tớ trung tín’, cũng có thể là ‘những ông chủ xấu’ của người sử dụng. Trong khi có nhiều bạn trẻ rất tích cực trong việc sử dụng các phương tiện này để loan báo Tin Mừng, để làm điều tốt và khuyến khích người khác làm điều tốt, vẫn còn những bạn trẻ trở nên nô lệ các phương tiện truyền thông, thông tin sai lệch.Cần ghi nhận rằng giữa cảnh ‘vàng thau lẫn lộn’, giữa cảnh lầm lẫn các giá trị và đầy cám dỗ của thế giới này, vẫn có nhiều bạn trẻ rất quan tâm và thực thi những hình thức đạo đức, chẳng hạn như đọc và chia sẻ Kinh Thánh, đến với các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, dành thời gian hằng ngày để đến với Chúa Giê-su Thánh Thể, gắn bó với các phong trào, như Thiếu Nhi Thánh Thể, Hướng Đạo và nhiều phong trào đạo đức khác nhằm đóng góp phần mình cho sự phát triển của Giáo Hội. Cảm thức thuộc Đức Giê-su, thuộc về Tin Mừng của Người, thuộc về Giáo Hội khá phổ biến trong giới trẻ của nhiều nước trên thế giới.
Nhân danh Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắc nhở các bạn trẻ, cũng như tất cả mọi người rằng hãy online với Đức Ki-tô, hãy nối mạng với Người (Christus Vivit 158). Giáo Hội luôn mời các bạn trẻ hãy chuyện trò với Người, hỏi han Người và nhờ Người hướng dẫn trong mọi biến cố của cuộc sống, đặc biệt, trong những lúc gặp khó khăn. Giáo Hội ý thức rằng nếu các bạn trẻ luôn nối mạng với Đức Ki-tô, thì sẽ hiểu rõ hơn phẩm giá mình, tình trạng tâm hồn mình, đồng thời, nhận ra ‘Ai’ và ‘điều gì’ cần thiết nhất cho cuộc sống mình. Hơn nữa, nếu các bạn trẻ luôn nối mạng với Đức Ki-tô, thì sẽ nhận ra được đường đi cho mình giữa dòng đời tăm tối, bấp bênh và đầy sóng gió này.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Chúng ta không chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới chúng ta. Họ là hiện tại của thế giới; ngay cả bây giờ, họ đang giúp làm cho thế giới thêm phong phú” (Christus Vivit 64). Ngài cũng nhấn mạnh rằng các bạn trẻ là ‘hiện tại của Thiên Chúa’ (Christus Vivit 178). Giáo Hội mời gọi các bạn trẻ đóng góp phần mình trong mọi hoạt động của gia đình, Giáo Hội và xã hội, hầu có thể biến đổi các thực tại này theo thánh ý Thiên Chúa. Tiếp nối tinh thần Công Đồng Vatican II, Giáo Hội mời gọi các bạn trẻ hãy luôn trở về tận đáy lòng để biết mình nhiều hơn, luôn đọc những dấu chỉ hằng ngày và luôn cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc biến đổi bản thân để các bạn luôn là những môn đệ và tông đồ trung tín của Đức Giê-su giữa thế gian này.
Giáo Hội mời gọi các bạn trẻ sống đời thánh thiện, bởi vì thánh thiện là nền tảng trên đó các bạn trẻ diễn tả các chiều kích khác của cuộc sống. Sự thánh thiện Ki-tô Giáo không phải là một ý tưởng hay là điều gì đó trừu tượng. Sự thánh thiện Ki-tô Giáo có ‘hình hài’ là Đức Giê-su, Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6,69). Do đó, các bạn trẻ được mời gọi theo Đức Giê-su, Đấng Trẻ Trung Muôn Đời giữa lịch sử đầy biến động và đổi thay này. Những cám dỗ của thế giới vật chất sẽ lùi bước khi các bạn trẻ dõi theo Đức Giê-su, Đường Thánh Thiện. Thánh thiện luôn là một dự án lâu dài, một hành trình không bao giờ chấm dứt của mỗi người trên đường dương thế. Giáo Hội mời gọi các bạn trẻ hãy đi Đường Thánh Thiện để đến với Thiên Chúa, đến với nhau và đến với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo này.
Đức Ma-ri-a luôn đi Đường Thánh Thiện. Người chính làmẫu gương cho tất cả mọi người, đặc biệt, cho các bạn trẻ, vì Đức Ma-ri-a đã thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38)Trong cuộc đời mình, Đức Ma-ri-a đã lắng nghe Lời Chúa, đón nhận Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa, cưu mang Lời Chúa, đồng hành cùng Lời Chúa Nhập Thể (Đức Giê-su) trên mọi nẻo đường dương thế. Sau khi Đức Giê-su về trời, Đức Ma-ri-a hằng ở lại với các tông đồ và cùng với họ cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa và cử hành Bí Tích Thánh Thể (Cv 1,14; 2,42). Đồng thời, Đức Ma-ri-a đã cùng với các môn đệ loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại.

Kết luận
Những quan sát, đánh giá và diễn tả trên đây giúp chúng ta tiếp cận vàhiểu biết cách tổng quát‘nhãn quan Giáo Hội về giới trẻ trong thế giới hôm nay’.Nội dung đức tin mà Giáo Hội đón nhận, sống và chuyển tải cung cấp cho chúng ta nhiều khuôn mặt trẻ được Thiên Chúa kêu gọi để thực thi chương trình của Người đối với gia đình nhân loại và toàn thể thế giới thụ tạo. Theo dòng lịch sử, Giáo Hội luôn quan tâm đến các bạn trẻ, bởi họluôn là thành phần làm cho Giáo Hội sống động và phát triển không ngừng. Những mẫu gương trẻ trong mặc khải Kinh Thánh và đời sống Giáo Hội có thể ví như là những ngọn hải đăng giúp con thuyền Giáo Hội vượt qua sóng gió của biển đời tăm tối.
Từ những thập niên hậu bán thể kỷ XX tới nay, thế giới biến chuyển mau chóng và ảnh hưởng tới tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ, những người đầy sức sống và khả năng sáng tạo, nhưng đồng thời, cũng là những người dễ bị tổn thương trong thế giới toàn cầu hóa, thế giới kỹ thuật số vàthế giới ảo. Những dấu chỉ của thế giới hôm nay vô cùng phong phú, đa dạng và lắm sắc màu. Giáo Hội được mời gọi đọc những dấu chỉ đó dưới ánh sáng mặc khải Thiên Chúa. Nhờ đó, Giáo Hội nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong khi diễn tả chính mình như là thực thể phản chiếu ánh sáng Thiên Chúa cho tất cả mọi người.
Sự đồng hành và chăm sóc mục vụ giới trẻ của Giáo Hội đặt nền tảng trên khuôn mẫu Đức Giê-su trong hành trình trần thế,trong đó,biến cố gặp gỡ giữa Đức Giê-su Phục Sinh và hai môn đệ trên đường Em-mau là điển hình (Lc 24,13-35). Ba thì của biến cố này là (a) chia sẻ Lời Chúa, (b) cử hành Bí Tích Thánh Thể, và (c) loan báo Tin Mừng,cũng là ba thì chính của đời sống Giáo Hội, đời sống các Ki-tô hữu và đời sống các bạn trẻ. Giáo Hội vững tin rằng, trong Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su Phục Sinhluôn đồng hành với Giáo Hội, với các thành phần Dân Chúa và với các bạn trẻ, như Người đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Em-mau sau khi Phục Sinh.
Là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của Đức Giê-su, Đấng Trẻ Trung Muôn Đời, Giáo Hội luôn là Giáo Hội trẻ cho những người trẻ. Giáo Hội trẻ cũng là Giáo Hội hiệp hành (the Synodal Church), là Giáo Hội mà tất cả mọi người được mời gọi ‘đi cùng con đường’ (σύνοδος, synodos), cùng tham gia, đóng góp phần mình xây dựng Nhiệm Thể Đức Ki-tô ở trần gian này. Giáo Hội hiệp hành mời gọi con cái mình luôn trở về, luôn tìm hiểu, luôn trả lời, luôn thay đổi, luôn tiến tới trong tâm tình vâng phục, phó thác cho tình yêu Thiên Chúa và lòng nhân hậu của Người. Để công việc mục vụ giới trẻ đem lại hiệu quả hơn, Giáo Hội không chỉ dạy dỗ, hướng dẫn các bạn trẻ, mà còn đồng hành, lắng nghe, đối thoại và học hỏi từ các bạn trẻ nữa.
Trong nhãn quan của Giáo Hội, hướng mục vụ giới trẻ nhằm tạo điều kiện cho họ nhận thức rằng Giáo Hội tiếp tục Biến Cố Đức Giê-su Ki-tô ở trần gian. Do đó, sứ mệnh của Giáo Hội là qui tụ tất cả mọi người trong gia đình nhân loại cho Thiên Chúa. Giáo Hội giúp các bạn trẻhướng về tương lai với niềm hy vọng vững chắc vào tình yêu Thiên Chúa được thực hiện qua Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Hy Vọng. Trong Người, tất cả được giao hòa, được biến đổi, được hoàn thiện. Trong Người, khát vọng sâu xa nhất của con người là bình an đích thật, tình yêu tuyệt đối và sự sống vĩnh cửu trở thành hiện thực.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

QUỸ HỌC BỔNG TÔMA THIỆN

logo-footer-2

Để đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao trình độ trí thức nhằm phục vụ công ích cho xã hội và Giáo Hội, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã cho thiết lập “Quỹ hỗ trợ và phát triển tài năng Tôma Thiện” gọi tắt là “Quỹ học bổng Tôma Thiện”.

LIÊN HỆ

Văn phòng Quỹ học bổng Tôma Thiện

Bản quyền thuộc về Quỹ Học Bổng Tôma Thiện – 2022