Con hay nghe các bạn không cùng tôn giáo than phiền bên Công Giáo: “Sao cứ phải bắt người ta theo đạo mới cho cưới”. Có phải người Công Giáo bắt buộc người bên lương phải theo đạo khi kết hôn?
Tại sao các bậc cha mẹ Công Giáo luôn muốn con cái mình lập gia đình với người Công Giáo?
Cha mẹ nào cũng lo cho con cái. Vì xuất thân từ môi trường Công Giáo, cha mẹ sẽ có một sự tin tưởng dành cho những bạn trẻ nào cũng được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường đó. Họ sẽ yên tâm hơn khi gửi gắm con cái của mình cho một gia đình Công Giáo. Nếu hai bên thông gia đều Công Giáo thì sẽ dễ dàng có cùng quan điểm, lối sống, cách bảo ban, dạy dỗ con cháu.
Ngoài ra, tuy tôn giáo không phải là yếu tố duy nhất quyết định hạnh phúc của lứa đôi, nhưng nếu họ cùng chia sẻ với nhau một niềm tin tôn giáo, đời sống chung cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Môi trường Công Giáo là một môi trường rất tốt để nâng đỡ họ. Nếu cả vợ và chồng đều sớm tối cầu nguyện, dâng những lời kinh lên Chúa, tham dự thánh lễ, các bí tích, tham gia các hoạt động của giáo xứ, tích cực sống theo những chỉ dẫn của Giáo Hội… họ sẽ không cảm thấy cô đơn trong cuộc hành trình hôn nhân của mình, con cái của họ cũng sẽ được giáo dục tốt không chỉ về kiến thức nhưng còn về đức tin, nhân bản. Mỗi khi gặp khó khăn, họ có nơi chạy đến để tìm sự nâng đỡ cả về thiêng liêng lẫn vật chất. Những điều này sẽ khó có thể có được khi vợ và chồng thực hành niềm tin của mình ở hai tôn giáo khác nhau.
Ngược lại, cưới một người không Công Giáo sẽ có thể dẫn đến nguy cơ bên Công Giáo lơ là hoặc đánh mất đi đức tin của mình, đặc biệt là khi bên nữ Công Giáo phải về làm dâu bên chồng là người không Công Giáo. Nếu một bên lại theo tôn giáo khác, có những sinh hoạt tâm linh khác, bên Công Giáo có thể sẽ đánh mất điều kiện để thực thi bổn phận Kitô hữu của mình. Con cái sinh ra sẽ khó có điều kiện được giáo dục tốt trong một môi trường tâm linh thuần nhất.
Nói tóm lại, việc các bậc cha mẹ thường đòi hỏi con cái mình phải lấy người cùng theo đạo Công Giáo chỉ là lo lắng cho đời sống đức tin của con cái mình. Nếu trong gia đình, tất cả mọi người đều thờ phượng Thiên Chúa, sớm tối đọc kinh quây quần bên nhau, con cái được giáo dục theo đường hướng đúng đắn, hẳn đó là một gia đình hạnh phúc. Trong khi đó, sự khác biệt trong tôn giáo đôi khi sẽ kéo theo những bất đồng khác trong quan điểm và lối sống, dẫn đến bất hoà, làm ảnh hưởng đến đời sống chung. Vì thế, Giáo Hội khuyến khích bên không có đạo Công Giáo tìm hiểu đạo Công Giáo, học giáo lý để có cùng tôn giáo với người phối ngẫu của mình: khuyến khích chứ không bắt buộc.
Giáo Hội có quy định gì về những hôn nhân khác đạo?
Giáo Hội muốn con cái mình phải luôn được lãnh nhận ơn lành của Chúa. Trong một cuộc hôn nhân, vốn là quãng thời gian quan trọng nhất của đời người, Giáo Hội càng muốn cho hai bên nam nữ được Thiên Chúa chúc lành và thánh hoá cho tình yêu của họ và cho những dự phóng tương lai trong cuộc sống lứa đôi. Ơn lành của Thiên Chúa được ban cho họ ngang qua Bí tích Hôn Phối mà chính cặp đôi là người cử hành, với việc chứng hôn của thừa tác viên Hội Thánh và hai người làm chứng (x.GL 1108 §1). Muốn vậy, cả hai phải là Kitô hữu, nghĩa là đã thuộc về gia đình Giáo Hội. Vì thế, hôn phối giữa một người đã rửa tội và một người chưa rửa tội thì vô hiệu đối với Giáo Hội.
Điều 1086 §1 quy định rằng: “Hôn nhân giữa một người đã được Rửa Tội trong Giáo Hội Công giáo hoặc đã được nhận vào Giáo Hội ấy và không rời bỏ Giáo Hội ấy bằng một hành vi dứt khoát với một người không được Rửa Tội, thì bất thành.” Người Kitô hữu nào cố tình thực hiện cuộc hôn phối này sẽ phải chịu hình phạt của Giáo Hội.
Tuy nhiên, trong trường hợp bên kia vẫn nhất quyết không muốn gia nhập đạo Công Giáo vì lý do gì đó, để không cản trở tình yêu chính đáng của cả hai, không gây khó khăn cho bên Công Giáo đồng thời cũng để đảm bảo bên Công Giáo không mất đức tin do cuộc hôn nhân khác đạo này, Giáo Hội vẫn chấp nhận cho họ kết hôn với nhau, với phép của Đức Giám Mục giáo phận. Tuy nhiên, Đức Giám Mục chỉ có thể ban phép này khi họ đáp ứng các điều kiện quy định ở Giáo Luật, điều 1125:
(1) Bên Công Giáo phải tuyên bố mình sẵn sàng tránh mọi nguy cơ mất đức tin và thành thật cam kết sẽ làm hết sức để tất cả con cái được Rửa Tội và được giáo dục trong Giáo Hội Công Giáo.
Trước hết là bổn phận phải lo cho đức tin của chính mình: bên Công Giáo phải tuyên bố mình sẵn sàng tránh mọi nguy cơ mất đức tin. Những nguy cơ làm mất đức tin có thể là bê trễ chuyện kinh hạt, tham dự thánh lễ, tham dự và lãnh nhận các bí tích… Họ phải tiếp tục chu toàn những bổn phận là người Kitô hữu của mình cách tích cực và xa tránh những điều làm cho họ bị nguội lạnh dẫn đến không còn tin và thực hành những gì đã được dạy liên quan đến Thiên Chúa và Giáo Hội. Ngoài ra, người này còn phải nghĩ đến đức tin cho con cái mình bằng cách cam kết sẽ làm hết sức để tất cả con cái được Rửa Tội và giáo dục trong Giáo Hội Công Giáo. Ở đây, ta chú ý đến cụm từ “làm hết sức”. Có thể có trường hợp là việc rửa tội cho con cái và giáo dục chúng trong Giáo Hội Công Giáo không thể thực hiện được vì sức ảnh hưởng quá lớn từ phía không Công Giáo hoặc vì nguy cơ đổ vỡ hôn nhân chỉ vì chuyện này. Cũng có thể không phải “tất cả con cái” nhưng chỉ một hoặc một vài đứa con được rửa tội. Nhưng bên Công Giáo phải ý thức và cam kết rằng sẽ cố gắng “làm hết sức”. Nghĩa là có cố gắng thuyết phục, tìm mọi cách trong khả năng… để hướng đến mục đích tuyệt vời ấy. Có thành công hay không lại là một chuyện khác.
Thông thường, việc tuyên bố hay cam kết này phải được thực hiện trước mặt vị linh mục (hoặc phó tế được uỷ quyền) bằng văn bản hay lời nói. Nếu các vị này nhận thấy bên Công Giáo không hiểu hoặc không ý thức về những điều mình hứa hoặc nhận thấy người đó không muốn hứa thì có quyền từ chối viết thư giới thiệu để xin phép chuẩn của Đức Giám Mục.
Ta thấy rõ quy định này của Giáo Hội là để nhắm đến việc bảo vệ đức tin của bên Công Giáo và của con cái họ. Giáo Hội không muốn mất đi người con nào của mình, nhưng Giáo Hội cũng không quá đòi buộc để làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc của các Kitô hữu.
(2) Bên Công Giáo phải kịp thời thông báo cho bên không Công Giáo biết những điều bên Công Giáo phải cam kết để họ ý thức thật sự về lời cam kết và nghĩa vụ của bên Công Giáo.
“Phải kịp thời thông báo” không xác định thời điểm rõ ràng và chính xác. Tuy nhiên, được hiểu là diễn ra trước cuộc hôn nhân để cho bên không Công Giáo biết về những gì mà bên Công Giáo phải cam kết và thực thi trong nghĩa vụ và bổn phận của mình. Mục đích nhắm tới là hai bên có thể hiểu và tạo điều kiện cho nhau, hoặc ít là để bên không Công Giáo không gây cản trở. Ở đây nói đến hành vi “thông báo”, dĩ nhiên là cố gắng đạt được sự ưng thuận của bên không Công Giáo, nhưng có vẻ như Giáo Hội chỉ cần yêu cầu việc “họ biết” là đủ rồi.
(3) Cả hai bên phải được giáo huấn về những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân mà không bên nào được phép loại bỏ.
Điều kiện này chắc hẳn có liên quan đến chương trình đào tạo mà giáo phận (hoặc giáo xứ) phải có đối với các cặp đôi chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân. Ít là để bên Công Giáo có thể hiểu và chuẩn bị bản thân cho thật tốt để sống cuộc sống lứa đôi sao cho thật triển nở. Bên không Công Giáo cũng phải “được giáo huấn”, nghĩa là tham dự những buổi học này để hiểu về “mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân”. Người này không cần phải tin nhưng phải biết những đòi hỏi của bên Công Giáo để có thể tôn trọng và muốn kết hôn với người Công Giáo, và cũng với hy vọng là khi hiểu được rồi, họ sẽ giúp bên Công Giáo chu toàn bổn phận của mình, hoặc xa hơn, họ sẽ được cảm hoá và muốn được rửa tội sau đó để cùng người bạn đời và con cái đắp xây một gia đình theo văn hoá Kitô giáo.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)