Kính thưa quý thính giả, Lúc 7:30 tối thứ Sáu 24/12, Đức Thánh Cha đã cử hành lễ Đêm Giáng Sinh trong đền thờ thánh Phêrô cùng với các tín hữu. Vì số ca nhiễm virus tại Ý đang tăng cao nên các biện pháp an toàn y tế được siết chặt và số người tham dự bị hạn chế. Trong bài giảng Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự đảo ngược mà Thiên Chúa muốn tỏ lộ: Thiên Chúa muốn hạ mình bước xuống, trong khi chúng ta lại muốn trèo lên toà cao.
Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ Giáng Sinh
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Một ánh sáng bừng lên trong đêm. Một thiên thần xuất hiện, vinh quang Thiên Chúa bao phủ các mục đồng, và cuối cùng lời loan báo được mong chờ hàng thế kỷ đã thành hiện thực. “Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã ra đời, Người là Kitô Đức Chúa” (Lc 2,11). Tuy nhiên, điều thiên thần loan báo đã làm cho chúng ta ngạc nhiên. Thiên thần chỉ cho các mục đồng cách thức tìm thấy Thiên Chúa, Đấng đã đến trần gian: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (c. 12). Đây là dấu chỉ: một trẻ thơ. Đây là tất cả: một trẻ thơ trong cảnh khó nghèo cùng cực của một máng cỏ. Chẳng còn ánh sáng, hào quang, hay tiếng hát của ca đoàn thiên thần. Chẳng có gì khác, ngoài điều đã được ngôn sứ Isaia loan báo từ trước: “Một trẻ thơ đã sinh ra cho chúng ta” (Is 9,5).
Tin Mừng nhấn mạnh đến sự tương phản này. Lời Chúa tường thuật về việc giáng sinh của Đức Giêsu, khởi đầu với việc nhắc đến Cesare Augusto là người truyền kiểm tra dân số trên toàn cõi đất. Trình thuật Kinh Thánh đã phác họa sự vĩ đại của vị hoàng đế đầu tiên này. Nhưng ngay sau đó, Lời Chúa dẫn chúng ta đến Belem, nơi đó, chẳng có gì lớn lao, ngoại trừ một em bé khó nghèo được bọc trong tã, với các mục đồng xung quanh. Nơi đây có Chúa, trong sự nhỏ bé. Đây chính là sứ điệp. Thiên Chúa không ngự trị trên chốn cao sang uy quyền, nhưng đã hạ mình xuống nơi của sự nhỏ bé. Sự nhỏ bé là con đường Chúa chọn để đến với chúng ta, để chạm đến trái tim chúng ta, để cứu độ chúng ta và để đưa chúng ta trở về với những gì là cao quý.
Anh chị em thân mến, khi dừng lại trước hang đá, chúng ta cần nhìn vào trung tâm: chúng ta hãy vượt qua những ánh đèn, những đồ trang trí, và chúng ta hãy chiêm ngắm HÀI NHI. Trong sự nhỏ bé của mình, Thiên Chúa hiện diện cách trọn vẹn. Chúng ta nhìn nhận điều này: “Hài Nhi, Người là Thiên Chúa, Thiên Chúa-Hài Nhi.” Chúng ta hãy để mình trải nghiệm sự kinh ngạc đảo lộn này. Đấng ôm lấy toàn thể vũ trụ lại cần được bồng ẵm trên tay. Đấng đã tạo nên mặt trời, lại cần được sưởi ấm. Chính sự hiền dịu lại cần được nâng niu. Tình yêu vĩnh cửu lại nhập thể trong một trái tim nhân loại với những nhịp đập. Đấng sáng tạo thế giới lại chẳng có một nơi trú ngụ. Hôm nay, mọi thứ đã bị đảo lộn.
Chúng ta hãy tự hỏi, chúng ta đã biết đón nhận con đường này của Thiên Chúa không? Đó thực sự là thách đố của Giáng Sinh: Thiên Chúa tự tỏ mình, nhưng con người lại không hiểu được điều này. Người trở nên bé nhỏ theo cái nhìn con người, còn chúng ta cứ mãi tìm kiếm sự vĩ đại theo kiểu thế gian, ngay cả bằng cách nhân danh Người. Thiên Chúa thì muốn hạ mình bước xuống, trong khi chúng ta lại muốn trèo đứng trên ngai tòa. Đấng Tối Cao tìm sống trong khiêm hạ, còn chúng ta ham thích sự phô trương. Thiên Chúa đến với các mục đồng, những người vô danh, chúng ta lại tìm kiếm danh vọng. Hài Nhi Giêsu sinh ra để phục vụ, còn chúng ta sống những tháng năm chỉ để theo đuổi thành công riêng mình. Thiên Chúa không kiếm tìm uy thế và quyền lực, nhưng Người đòi hỏi sự dịu dàng và tinh thần bé nhỏ nội tâm.
Đây là điều chúng ta cần xin Chúa Giêsu trong mùa Giáng Sinh: đó là ơn trở nên bé nhỏ. “Lạy Chúa, xin dạy chúng con yêu mến sự bé nhỏ. Xin giúp chúng con hiểu được rằng đó là con đường để đạt đến sự vĩ đại đích thực.” Nhưng, đón nhận sự bé nhỏ, điều ấy một cách cụ thể có nghĩa là gì? Trước hết, điều ấy có nghĩa là Thiên Chúa muốn đến ngang qua những điều bé nhỏ trong đời sống chúng ta; Người muốn hiện diện trong những thực tại đời sống thường ngày, những cử chỉ đơn sơ được thực hiện ở nhà, trong gia đình, nơi trường học hay chốn công sở. Chính trong khung cảnh bình thường của đời sống thường nhật mà Thiên Chúa muốn thực hiện những điều phi thường. Và đây là sứ điệp mang đến niềm hy vọng lớn lao: Thiên Chúa mời gọi chúng ta coi trọng và đánh giá cao những điều bé nhỏ trong cuộc sống này. Nếu Người ở đó với chúng ta, chúng ta còn lo thiếu sự gì? Chúng ta hãy bỏ lại phía sau bao tiếc nuối về những thứ cao cả mà chúng ta vốn dĩ không có. Hãy thôi than vãn và xệ mặt, cũng như hãy từ bỏ những tham vọng chỉ khiến chúng ta thất vọng.
Thế nhưng, vẫn còn điều đáng nói hơn. Chúa Giêsu không chỉ muốn đến ngang qua những điều nhỏ bé của đời sống chúng ta, nhưng Người còn đến ngang qua chính sự nhỏ bé của chúng ta: nơi kinh nghiệm của chúng ta về sự yếu đuối, mỏng dòn, thiếu thốn, thậm chí những sai lầm. Anh chị em thân mến, nếu bóng tối đêm đen như ở Bêlem bao phủ lấy anh chị em, nếu sự dửng dưng lãnh đạm vây quanh anh chị em, nếu những vết thương mà anh chị em đang mang trong lòng thét lên rằng: “bạn kém giá trị, bạn chẳng là gì, bạn sẽ chẳng bao giờ được yêu thương như bạn muốn”, thì đêm nay, Thiên Chúa đáp lời anh chị em. Đêm nay, Người nói với mỗi người chúng ta: “Ta yêu con như chính con là. Sự nhỏ bé của con không khiến ta sợ hãi, sự mỏng manh của con không làm ta bất an. Chính ta đã trở nên bé nhỏ vì con. Để là Thiên Chúa của con, ta đã trở nên anh em của con. Hỡi những người anh chị em đáng yêu của ta, đừng sợ hãi ta, nhưng hãy tái khám phá sự vĩ đại của các con ở nơi ta. Ta ở gần bên các con, và ta mong chờ nơi các con chỉ một điều duy nhất, đó là: hãy tín thác nơi ta và hãy mở rộng cõi lòng với ta.”
Đón lấy sự nhỏ bé cũng có nghĩa là: ôm lấy Chúa Giêsu nơi những con người bé nhỏ của thời đại hôm nay. Hãy yêu mến Chúa Giêsu nơi những người rốt hết, hãy phục vụ Người nơi những người nghèo khó. Họ chính là những người giống Hài Nhi Giêsu nhất, Đấng đã sinh ra trong khó nghèo. Và chính nơi họ, mà Người muốn được tôn kính. Trong đêm yêu thương này, duy chỉ một nỗi sợ có thể tấn công chúng ta, đó là: làm tổn thương tình yêu của Thiên Chúa, làm tổn thương Người bằng việc coi thường người nghèo bởi sự dửng dưng vô cảm của chúng ta đối với họ. Người nghèo là những người được Thiên Chúa yêu mến, và một ngày nào đó chính họ sẽ chào đón chúng ta ở trên trời. Một nữ thi sĩ từng viết: “Ai không tìm thấy Nước Trời ở dưới thế, sẽ không có được nó ở trên thiên đàng” (E. DICKINSON, Poems, XVII). Chúng ta đừng bao giờ bỏ quên không ngước nhìn về Quê Trời, chúng ta hãy chăm sóc Hài Nhi Giêsu từ bây giờ, bằng việc quan tâm đến Người nơi những người đang cần đến chúng ta, bởi vì chính Chúa Giêsu đồng hóa mình với họ.
Một lần nữa, chúng ta hãy nhìn vào Hang Đá và chiêm ngắm Đức Giêsu trong đêm Giáng Sinh, đang được bao quanh bởi những người bé nhỏ và khó nghèo. Họ là những ai? Họ là những mục đồng, là những người đơn sơ và gần gũi với Chúa nhất. Họ đã tìm thấy Người bởi vì, “suốt đêm, họ thức để canh giữ đàn vật” (Lc 2,8). Họ ở đó để làm việc, bởi vì họ nghèo và cuộc sống của họ không có thời gian biểu, nhưng phụ thuộc vào đàn vật. Họ không thể sống ở nơi và theo cách họ muốn, vì họ phải điều chỉnh bản thân theo nhu cầu của đàn vật. Và Hài Nhi Giêsu đã sinh ra ở đó, gần chỗ họ, gần với những người bị quên lãng đang sống ở những vùng ngoại biên. Thiên Chúa đến những nơi mà phẩm giá con người bị ném vào nghịch cảnh. Người đến để nâng cao phẩm giá của những con người bị loại trừ, và Người tự tỏ mình cho họ trước tiên: không phải với những nhân vật quyền cao chức trọng, nhưng là với những người lao động nghèo khổ. Đêm nay, Thiên Chúa đến để mang lại cho nhọc mệt của lao động một phẩm giá. Người nhắc chúng ta rằng mang lại phẩm giá cho con người bằng công việc thì quan trọng dường nào, cũng như mang lại phẩm giá cho công việc của con người. Bởi vì, con người là chủ chứ không phải là đầy tớ của công việc. Trong ngày của Sự Sống, chúng ta hãy lập lại: những người phải chết vì lao động đã quá đủ rồi. Và chúng ta hãy dấn thân cho điều này.
Cuối cùng, chúng ta hãy nhìn vào Hang Đá, bằng việc mở rộng tầm mắt đến tận cùng để bắt gặp những nhà chiêm tinh, những người đang trên đường hành hương đến thờ lạy Chúa. Chúng ta hãy chiêm ngắm và hãy hiểu rằng tất cả được nối kết trong sự hiệp nhất bằng việc quây quần bên Hài Nhi Giêsu: không chỉ có những người rốt hết, những mục đồng, nhưng còn có cả những bậc thông thái, những người giàu có, và những nhà chiêm tinh. Nơi Bêlem, mọi người hiện diện cùng nhau, có người giàu và người nghèo, có người uyên bác như các nhà chiêm tinh, có người lao động như các mục đồng. Tất cả mọi người liên kết với nhau vì có Đức Giêsu ở trung tâm: không phải những tư tưởng của chúng ta về Người, nhưng là CHÍNH NGƯỜI, Đấng Hằng Sống. Bởi thế, anh chị em rất thân mến, chúng ta hãy trở lại Bêlem, hãy trở về với tận nguồn cội: đó chính là tính thiết yếu của đức tin, là tình yêu nguyên thủy, là sự tôn kính và lòng bác ái. Chúng ta hãy nhìn ngắm các nhà chiêm tinh trên đường hành hương, và như Giáo Hội hiệp hành đang tiến bước, chúng ta hãy đến Belem, nơi có Đấng là Thiên Chúa và là con người, nơi mà Thiên Chúa chiếm vị trí cao nhất và được tôn thờ, nơi mà người rốt hết cũng có chỗ gần bên Người, nơi mà các mục đồng và người chiêm tinh cùng hiện diện trong tình huynh đệ, vốn mạnh mẽ hơn mọi phân chia tầng lớp. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta trở nên một Giáo Hội thờ phượng, khó nghèo và huynh đệ. Đây là điều thiết yếu. Chúng ta hãy trở lại Bêlêm.
Thật là tốt khi chúng ta đến đó, ngoan ngùy trước Tin Mừng Giáng Sinh đang trình bày cho chúng ta Gia Đình Thánh, các mục đồng, các nhà chiêm tinh: toàn thể nhân loại đang trên cuộc hành trình. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiến bước lên đường, bởi vì cuộc sống là một chuyến hành hương. Chúng ta hãy trỗi dậy, hãy thức tỉnh bởi vì đêm nay một ánh sáng đã bừng lên. Đó là ánh sáng dịu hiền và ánh sáng ấy nhắc chúng ta rằng nơi sự nhỏ bé của chúng ta, chúng ta là những người con được yêu thương, chúng ta là con cái của ánh sáng (x. 1 Tx 5,5). Cùng nhau chúng ta hãy vui mừng bởi vì, không một ai có thể dập tắt được ánh sáng này, ánh sáng của Chúa Giêsu, Đấng từ đêm nay chiếu soi trên toàn thế giới.
Sưu tầm từ: Vaticannews.
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-12/dtc-thanh-le-dem-giang-sinh.html