BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG BUỔI CANH THỨC VỚI GIỚI TRẺ TẠI “CÔNG VIÊN TEJO”
Vatican News
VaticanNews (07.08.2023) – Trong buổi canh thức ở “Công viên Tejo”, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người noi gương Đức Maria trao ban niềm vui cho người khác.
Các bạn thân mến, chào các bạn!
Cha rất vui được gặp các bạn! Cám ơn các bạn đã thực hiện cuộc hành hương đến đây, cám ơn các bạn đã ở đây! Cha nghĩ Đức Trinh Nữ Maria cũng đã phải thực hiện cuộc hành trình để đến gặp bà Elizabeth: “Đức Maria trỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1, 39). Chúng ta có thể hỏi “Tại sao Đức Maria trỗi dậy và vội vã đi đến nhà chị họ?” Chắc chắn Mẹ vừa biết người chị họ có thai, nhưng Mẹ cũng đang mang thai: tại sao Mẹ lại đi nếu không có ai yêu cầu Mẹ? Mẹ Maria thực hiện một cử chỉ không được yêu cầu, Mẹ Maria ra đi vì Mẹ yêu thương và “ai yêu thương thì bay cao, người đó vui mừng” (The Imitation of Christ, III, 5).
Mẹ có hai tin vui: Mẹ vừa nhận được lời sứ thần báo tin rằng Mẹ sẽ chào đón Đấng Cứu Thế, và tin người chị họ mang thai. Điều thú vị là thay vì nghĩ đến bản thân, Mẹ lại nghĩ đến người khác. Tại sao? Vì niềm vui là truyền giáo, niềm vui không chỉ dành cho một người, niềm vui là để chia sẻ điều gì đó với người khác. Cha hỏi các bạn, những người đang ở đây, những người đã đến để gặp gỡ nhau, để tìm thấy sứ điệp Chúa Kitô, để tìm thấy một ý nghĩa đẹp của cuộc sống, các bạn sẽ giữ điều này cho riêng mình hay các bạn sẽ chia sẻ nó với người khác? Các bạn nghĩ gì? Chắc chắn đó là mang sứ điệp này đến cho người khác, bởi vì niềm vui là truyền giáo! Tất cả chúng ta hãy cùng nhau lặp lại điều này: niềm vui là truyền giáo! Và như thế chúng ta chia sẻ niềm vui này với người khác.
Nhưng niềm vui mà chúng ta có, những người khác đã chuẩn bị cho chúng ta để đón nhận. Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại tất cả những gì chúng ta đã nhận được; tất cả chuẩn bị tâm hồn chúng ta cho niềm vui. Nếu chúng ta nhìn lại, chúng ta sẽ nhận ra tất cả chúng ta đều có những người đã là tia sáng cho cuộc sống chúng ta: cha mẹ, ông bà, bạn bè, linh mục, tu sĩ, giáo lý viên, linh hoạt viên, giáo viên … Những người này là gốc rễ của niềm vui của chúng ta. Giờ đây, chúng ta hãy dành một phút thinh lặng, và mỗi người hãy nghĩ đến những người đã cho chúng ta một điều gì đó trong cuộc sống, những người giống như gốc rễ của niềm vui.
Các bạn đã tìm thấy chưa? Các bạn đã tìm thấy khuôn mặt, câu chuyện nào chưa? Niềm vui đã đến với chúng ta qua những gốc rễ, đó là niềm vui mà chúng ta phải chia sẻ, bởi vì chúng ta có gốc rễ của niềm vui. Và trong cùng một cách chúng ta có thể là gốc rễ niềm vui cho người khác. Đó không phải là việc mang lại một niềm vui thoáng qua, một niềm vui diễn ra trong chốc lát; nhưng là một niềm vui tạo ra gốc rễ. Và tôi tự hỏi: làm thế nào chúng ta có thể trở thành gốc rễ của niềm vui?
Niềm vui không ở trong một thư viện bị khoá, mặc dù việc học là cần thiết. Niềm vui nằm ở một nơi khác. Niềm vui không được giữ với ổ khoá. Niềm vui cần phải được tìm kiếm, được khám phá. Chúng ta phải khám phá niềm vui trong khi đối thoại với người khác, nơi chúng ta phải trao ban những gốc rễ của niềm vui mà chúng ta đã nhận được. Và điều này, đôi khi, làm mệt mỏi. Cha hỏi các bạn: đôi khi các bạn có mệt mỏi không? Hãy suy nghĩ về những gì xảy ra khi một người mệt mỏi: người này không muốn làm bất cứ điều gì, như người Tây Ban Nha chúng tôi hay nói, người ta ném bọt biển vì người ta không muốn tiếp tục và sau đó người ta bỏ cuộc, dừng bước và ngã. Các bạn có nghĩ rằng, trong cuộc sống, khi một người vấp ngã, gặp thất bại, thì họ cũng phạm sai lầm nghiêm trọng, và cuộc sống của họ đã kết thúc? Không! Chúng ta cần phải làm gì? Hãy đứng dậy! Và có một điều rất tốt đẹp mà hôm nay cha muốn các bạn ghi nhớ. Người Alps, những người thích leo núi, có một bài hát rất hay, trong đó có một đoạn như thế này: “Trong nghệ thuật leo núi, điều quan trọng không phải là không ngã, nhưng không ở lại trong tình trạng bị ngã”. Điều này thật đẹp!
Những người ở trong tình trạng ngã “rút lui” khỏi cuộc sống, đã khép kín, đóng cửa với hy vọng, đóng kín với những ước muốn và vẫn ở trên mặt đất. Và khi chúng ta nhìn thấy ai đó, một người bạn của chúng ta đã ngã xuống, chúng ta phải làm gì? Nâng họ lên. Khi một người phải nâng hoặc giúp một người đứng dậy, người này làm gì? Nhìn người này với cái nhìn từ trên cao xuống. Dịp duy nhất, được phép nhìn người khác từ trên cao, là để giúp họ đứng dậy. Đã bao lần chúng ta thấy mọi người nhìn chúng ta như thế. Cách duy nhất, tình huống duy nhất được phép nhìn một người từ trên cao là để giúp họ đứng dậy.
Điều đó giống như trong cuộc hành trình, cách chúng ta tiếp tục tiến bước. Và trong cuộc sống, để có được những điều này các bạn phải rèn luyện để bước đi. Đôi khi chúng ta không muốn bước đi, chúng ta không muốn nỗ lực, chúng ta sao chép trong các kỳ thi vì chúng ta không muốn học và chúng ta không nhận được kết quả mong muốn. Các bạn có thích bóng đá không…, cha thích bóng đá. Đằng sau một bàn thắng thì có gì? Đằng sau một kết quả, là những gì? Là luyện tập rất nhiều. Và trong cuộc sống, người ta không thể luôn làm những gì mình muốn, nhưng điều gì đưa chúng ta đến việc thực hiện ơn gọi mà chúng ta có bên trong – mọi người đều có ơn gọi riêng. Hãy bước đi. Và nếu tôi ngã, tôi đứng dậy hoặc ai đó sẽ giúp tôi đứng dậy; không ở mãi trong tình trạng bị ngã; và luyện tập, luyện tập bước đi. Và tất cả điều này là có thể, không phải vì chúng ta theo một khóa học bước đi- không có khóa học nào dạy chúng ta bước đi trong cuộc sống – điều này được học từ cha mẹ, được học từ ông bà, bạn bè, giúp đỡ lẫn nhau. Trong cuộc sống người ta học hỏi, và đây là luyện tập để bước đi.
Cha để lại cho các bạn những ý tưởng này. Bước đi, và nếu ngã, một lần nữa hãy đứng dậy; bước đi với một mục tiêu; luyện tập mỗi ngày trong cuộc sống. Trong cuộc sống, không có gì là không phải trả giá, mọi thứ đều có giá của nó. Chỉ có một điều không phải trả: tình yêu Chúa Giêsu! Vì vậy, với tình yêu nhưng không- tình yêu của Chúa Giêsu – và với mong muốn bước đi, chúng ta bước đi trong hy vọng, chúng ta nhìn vào gốc rễ của chúng ta và chúng ta tiến bước, không lo sợ. Xin cám ơn.
Nguồn: vaticannews.va/vi