Chúa Nhật 4 Mùa Phục Sinh, Giáo Hội cầu nguyện đặc biệt cho ơn gọi tu sĩ và linh mục. Đây là ngày của ơn gọi hiến dâng. Bất chấp những giới hạn và mong manh của con người, Thiên Chúa vẫn mời gọi các bạn trẻ đi tu, bước vào con đường trở nên giống Đức Giêsu. Trên con đường này, người tu sĩ nỗ lực hoàn thiện chính mình và sẵn sàng để Thiên Chúa gửi họ đi vào cánh đồng sứ vụ.
Có lẽ bài Tin Mừng Chúa Nhật này (Ga 10,27-30) đã nói lên căn tính của người tu sĩ: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi.” Để thành công với sứ mạng Chúa trao, người tu sĩ không có cách nào khác là chăm chú lắng nghe và thực thi mệnh lệnh của Thiên Chúa. Để làm được điều này, người tu sĩ cần đi theo Đức Giêsu. Đây là định nghĩa của đời tu: “Sequila Christi – bước theo Đức Giêsu”. Càng theo sát, càng biết Chúa nhiều, người tu sĩ càng hạnh phúc bình an trước mọi sứ mạng Chúa trao. Hơn nữa, người đời chỉ cần các tu sĩ phản ánh được trái tim người mục tử của Thiên Chúa. Với tình yêu này, không chỉ người tu sĩ vui vẻ, mà những ai họ gặp gỡ cũng cảm nhận được tình yêu này.
Đức Giêsu dùng hình ảnh rất mạnh để diễn đạt tình yêu này cho mỗi người: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời.” Như vậy người mục tử không phải là nghề để chăn dắt đoàn chiên, nhưng là một ơn gọi cao cả để chăm sóc đoàn chiên. Chăm sóc nghĩa là biết lắng nghe và hiểu từng con chiên. Biết đâu là điều quan trọng để cho con chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,1-10). Quan trọng hơn hết, người mục tử tốt sẽ không để mất một con chiên nào.
Mở ngoặc nơi đây để chia sẻ với các bạn trẻ hai từ quan trọng trong Tin Mừng Hôm nay: người mục tử và con chiên.
Chúa Giêsu là người mục tử, vốn là hình ảnh rất quen thuộc với văn hóa du mục của người Do Thái. Đức Giêsu dùng hình ảnh này để cho thấy người chăm sóc con chiên cần làm những gì. Mục tử là người lãnh đạo dân chúng. Một mặt họ phải mạnh mẽ để bảo vệ đoàn chiên trước sói dữ, mặt khác họ có trách nhiệm chăm lo cho từng con chiên, để đoàn chiên được hiệp nhất với người mục tử, với Thiên Chúa. Việc chăm lo này rất cần tấm lòng ân cần, quảng đại và lòng thương xót của người mục tử. Chúng ta hy vọng những ai muốn đi tu cũng ôm ấp tâm tình, khao khát này. Chúng ta cũng không quên tiếp tục cầu nguyện cho các tu sĩ, linh mục để họ sống như mục tử Giêsu.
Thuật ngữ thứ hai là con chiên. Trong bối cảnh Tin mừng này, chúng ta hiểu Đức Giêsu đang nói về đoàn dân, về mỗi người chúng ta. Chiên là những người dám chấp nhận, ngoan hiền để người mục tử hướng dẫn và chăm sóc. Đặc tính của con chiên là luôn tin tưởng vào sự hướng dẫn của người mục tử. Lòng tin tưởng này được biểu hiện qua việc lắng nghe tiếng của chủ. Điều này rất quan trọng để chiên không bị lạc đường. Chủ hô vang hoặc cất giọng nói là con chiên nhận ra liền. Nhờ đó, con chiên biết phân biệt được tiếng của chủ hoặc tiếng của sói dữ, hoặc người ăn trộm chiên. Hơn nữa, chiên chỉ thường thích đi theo người mục tử. Giữa hoang mạc của cuộc đời, chiên hiểu rằng người mục tử biết được cách tốt nhất để chăm sóc cho mình. Với lòng phó thác này, con chiên hoặc mỗi người chúng ta hạnh phúc khi đi cùng với mục tử Giêsu, với các linh mục, tu sĩ trong Giáo hội[1]. Chúng ta đi cùng với nhau. Trên hành trình này, ước gì không có ai bị bỏ lại đằng sau, không có ai bị lạc đường và nhất là không có người nào bị hư mất.
Các bạn trẻ thân mến,
Với hai hình ảnh trên đây, chúng ta hạnh phúc vì được quy tụ trong một đoàn chiên, một Giáo hội hiệp nhất, “xin cho tất cả nên một” (Ga 17,21). Trong Giáo hội này, Thiên Chúa tiếp tục “rủ” các bạn đi tu, đi theo Đức Giêsu để ở với Ngài, để cho Ngài huấn luyện và để Ngài sai vào cánh đồng sứ mạng. Đây là điều quan trọng vì “được thánh hiến và được sai đi” là hai chiều kích làm nên đời tu. Cũng như Đức Kitô được thánh hiến và sai vào thế gian, người tu sĩ cũng được thánh hiến cho sứ mạng, được sai đi vào đời để phục vụ tình yêu.”[2] Nơi đó có đoàn dân Thiên Chúa. Thật may vì chúng ta có Đức Giêsu là khuôn mẫu để chăm sóc đoàn chiên.
Nếu ai đó chuẩn bị bước vào đời tu, hoặc đang có trách nhiệm chăm sóc đoàn chiên, mà chưa biết phải chăm sóc như thế nào, thì cứ chiêm ngắm thầy Giêsu. Cách chăm sóc của mục tử Giêsu rất lạ:
1. Chúa biết, hiểu từng người.
2. Chúa ban cho từng người sự sống đời đời, thậm chí Chúa sẵn sàng chết để chúng ta được sống.
3. Chúa không bao giờ để chúng ta phải chết.
4. Chúa không để ai xâm hại hoặc tấn công chúng ta.
Lý do cho bốn điều trên là: “Chính Thiên Chúa Cha đã ban chúng ta cho mục tử Giêsu.” (Ga 10,29). Đó là sứ mạng Đức Giêsu xuống trần gian này để cứu độ từng người. Sứ mạng này Thiên Chúa vẫn đang cần chúng ta, cần người trẻ tiếp bước.
Chắc chắn Đức Giêsu không mời gọi tất cả chúng ta đi tu. Nhưng nếu lòng bạn rộn lên niềm vui hiến dâng, hãy cho Thầy Giêsu một cơ hội để bạn cũng được trở nên người mục tử chăm sóc tha nhân. Nếu bạn muốn lập gia đình cũng không sao, Thiên Chúa mời gọi bạn tiếp tục cộng tác với Giáo hội để chăm sóc con cái, xây dựng cộng đoàn. Tóm lại, mỗi người chúng ta đã và đang được Thiên Chúa chăm sóc, thì tới lượt mình, chúng ta cũng quảng đại để làm cho nhiều người đến gần với Chúa Giêsu.
Tôi xin kết thúc bài chia sẻ này bằng lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với người trẻ rằng:
“Hãy luôn nhớ rằng, với những người bỏ lưới, bỏ thuyền để theo Chúa, Ngài hứa cho họ niềm vui của một cuộc sống mới, làm cho tâm hồn được đầy tràn và Thiên Chúa hướng dẫn cuộc sống của họ.”[3]
Chúng ta cùng cầu nguyện cho các bạn trẻ, cho các tu sĩ trẻ. Xin cho họ có lòng can đảm, có sự liều lĩnh cần thiết để bước ra khỏi nỗi sợ cá nhân. Xin đừng bịt tai, nhắm mắt trước tiếng mời gọi của Giêsu. Tuyệt vời biết bao vì ơn gọi luôn là sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa vì thời này không thiếu bạn trẻ đang liều chính bản thân, chấp nhận đương đầu với thách đố mới. Họ từ bỏ tất cả những gì ràng buộc họ vào con thuyền nhỏ, để với ơn Chúa, họ liều lĩnh bước vào một chân trời rộng lớn với nhiều say mê dâng hiến.
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Lc 10,1–9). Nguyện xin Thiên Chúa luôn gọi thật nhiều người trẻ đến với Người, ở với Người và được Người sai đi! Amen.
Tác giả: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ – Nguồn: Dòng Tên Việt Nam (07/5/2022)
—————–
[1] “Anh em hãy vâng phục những người lãnh đạo anh em, hãy biết phục tùng, vì họ canh giữ linh hồn anh em, như những kẻ phải trả lẽ, để họ được vui mừng thi hành phận sự, chứ không phải than phiền, vì điều ấy chẳng béo bổ gì cho anh em.” (Dt 13,17).
[2] Tông huấn Đời sống thánh hiến, số 72–75
[3] Xem: Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi 2019.
Link sưu tầm:https://giaophanvinhlong.net/thien-chua-moi-nguoi-tre-di-tu.html?fbclid