Các Giáo hội Kitô ở nhiều nước Á châu, từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến Ấn Độ, Philippines, Myanmar, đã đáp lại lời Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình ở Ukraine vào thứ Tư lễ Tro và tỏ tình liên đới với người dân Ukraine đang đau khổ vì chiến tranh.
Nhật Bản
Đức Tổng Giám mục Isao Kikuchi của Tokyo, chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật Bản nói trong một tuyên bố: “Nhiều sinh mạng đang gặp nguy hiểm. Là những người con của Chúa, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ món quà sự sống của Chúa. Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo của Nga ngừng xâm lược Ukraine và đi trên con đường thiết lập hòa bình thông qua đối thoại.” Ngài kêu gọi các lãnh đạo chính trị tìm một giải pháp bằng đối thoại.
Trong khi đó Đức cha Bernard Taiji Katsuya của Sapporo, chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Công giáo Nhật Bản, nhắc lại lời thánh Gioan Phaolô II vào năm 1981 tại đài tưởng niệm ở Hiroshima: “Nhân loại không được tiền định cho sự tự hủy diệt. Những khác biệt về ý thức hệ, nguyện vọng và nhu cầu có thể và phải được xóa bỏ và giải quyết bằng các biện pháp hơn là bằng chiến tranh và bạo lực”.
Myanmar
Tại Myanmar, trong thư mục vụ gửi hôm 27/2, đề cập đến người dân Ukraine, Đức cha Alexander Pyone Cho của Pyay viết rằng họ là các anh chị em mà chúng ta phải khẩn cấp mở các hành lang nhân đạo cho họ. Họ phải được tiếp đón. Ngài cầu xin cho tiếng vũ khí ngưng lại.
Philippines
Tại Philippines, Đức cha Pablo Virgilio David của Kalookan, chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines đã thúc giục cầu nguyện xin Chúa “lay động lương tâm của người dân Nga” để chính họ thực hiện “các bước cần thiết để gây áp lực buộc chính phủ của họ ngừng cuộc chiến mà Nga đã bắt đầu”. Ngài viết trong thư mục vụ hôm Chúa Nhật: “Không ai hài lòng về chiến tranh ngoại trừ những người trong ngành công nghiệp vũ khí kiếm được lợi nhuận khổng lồ và hưởng lợi từ các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia,” và nói rằng chỉ có cầu nguyện, ăn chay và hành động bác ái có thể chống lại sự lôi kéo của ma quỷ, đặc biệt là đối với những người bị ám ảnh bởi quyền lực, của cải và danh vọng.
Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, Đức Tổng Giám mục Peter Chung Soon-taick của Seoul đã thay mặt người Công giáo địa phương gửi thông điệp về tình liên đới tới Giáo hội Ucraina cùng với viện trợ tiền mặt khẩn cấp để giúp đỡ người già và trẻ em trong các trại tạm trú. Đức cha cho biết ngài rất xúc động trước đoạn video quay cảnh những trẻ em run rẩy vì sợ hãi và lạnh trong tàu điện ngầm lạnh giá. Ngài thúc giục cầu nguyện để ngừng tiếng vũ khí.
Ấn Độ
Tại Ấn Độ, Đức Hồng Y Oswald Gracias của Bombay cũng nhắc nhở các tín hữu về lời kêu gọi của Đức Thánh Cha. Khi bắt đầu Thánh lễ thứ Tư Lễ Tro, Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ nói: “Người dân Ukraine cũng là anh chị em của chúng ta”. “Chúng ta đang ở trong hoàn cảnh hòa bình và an ninh. Chúng ta có thể hình dung ra những khó khăn mà họ đang gặp phải, không biết chắc chắn khi nào họ sẽ bị thương, chịu ảnh hưởng của việc ném bom, v.v. Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình.”
Một giám mục Ấn Độ khác, Đức tổng giám mục Felix Machado của Vasai cũng bày tỏ sự gần gũi với người dân Ukraine đang đau khổ. Ngài nói: “Trong thế giới ngày nay, chiến tranh không thể bị kìm giữ lại ở một khu vực. Trái tim của chúng tôi đang ở với những người đang đau khổ, có rất nhiều đau khổ và nó sẽ để lại hậu quả cho tất cả chúng ta. Xin Chúa thương xót tất cả chúng ta.”
Hồng Thủy – Vatican News